Công tác trường chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 5 năm qua (2014-2019) và phương hướng hoạt động trong thời gian tới

15:34 03/09/2019
xem cỡ chữ
T
T
lượt xem: 0

1. Những kết quả quan trọng đã đạt được trong 5 năm qua (2014-2019)

Thực hiện Quyết định số 224-QĐ/TW ngày 6-12014 của Bộ Chính trị khóa XI, nay là Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 8-8-2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của  Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện có nhiệm vụ “Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, hướng dẫn và thống nhất quản lý việc thực hiện chương trình, nội dung đào tạo và bồi dưỡng; phương pháp giảng dạy và học tập; nghiên cứu khoa học; quy chế quản lý đào tạo; đào tạo, bồi dưỡng giảng viên của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương liên quan đến lĩnh vực thuộc chức năng của Học viện. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham gia ý kiến về việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo chủ chốt của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.                                                           

Năm năm qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn xác định công tác trường chính trị là một nhiệm vụ quan trọng của Học viện. Cùng với những nhiệm vụ quan trọng khác, Học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo và cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành các nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả, tạo nên nhưng bước đột phá trong công tác trường chính trị góp phần thúc đẩy các hoạt động chung của hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trong cả nước. Những kết quả đó tập trung trên một số nội dung chủ yếu dưới đây:

Một là, Học viện đã tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 184-QĐ/TW ngày 3-8-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị và xây dựng Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chuẩn bị một bước để tổng kết 10 năm, Học viện và các trường chính trị đã sơ kết 7 năm thực hiện Quyết định số 184-QĐ/TW ngày 3-9-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở đề xuất của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 117-KL/TW ngày 20-11-2015 về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 6934/CV-VPCP-TCCV thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc việc kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên của các trường chính trị cấp tỉnh đủ tuổi nghỉ hưu, có học vị tiến sĩ, hoặc chức danh giáo sư, phó giáo sư theo Nghị định số 141/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Học viện cũng đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-HVCTQG ngày 17-2-2016 về việc thực hiện Kết luận số 117-KL/TW của Ban Bí thư về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Thực hiện Kết luận số 117-KL/TW, Học viện đã tiến hành Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 184-QĐ/TW ngày 3-9-2008 của Ban Bí thư khóa X về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở đó trình Ban Bí thư 2 dự thảo quan trọng: một là, dự thảo quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hai là, dự thảo bộ tiêu chí trường chính trị chuẩn và quy trình công nhận trường chính trị chuẩn. Đây là những văn bản thể hiện tư duy mới, mang tính đột phá về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, công tác trường chính trị nói riêng.

Ngày 13-11-2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Quy định số 09-QĐi/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quy định số 09-QĐi/TW có rất nhiều điểm mới, đáng chú ý là: trường chính trị cấp tỉnh chỉ trực thuộc một đầu mối duy nhất là tỉnh ủy, thành ủy; tinh gọn bộ máy tổ chức (ban giám hiệu chỉ còn 3 đồng chí, số khoa, phòng chỉ còn 5); bổ sung chức năng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn... Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được Bộ Chính trị và Ban Bí thư giao cho, Học viện đã kịp thời tổ chức Hội nghị triển khai Quy định số 09-QĐi/TW với sự tham gia của thường trực các tỉnh ủy, thành ủy, ban tổ chức các tỉnh, thành ủy, ban giám hiệu các trường chính trị, trường bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.

Hai là, tổ chức các đoàn công tác của đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, một số bộ, ngành và các trường chính trị, trường cán bộ tạo ra bước đột phá mới về công tác trường chính trị và một số công tác khác.

Đoàn công tác do đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện làm trưởng đoàn, các đồng chí Phó Giám đốc Học viện tham gia đã làm việc với tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân và trường chính trị tỉnh, thành phố của gần 50 tỉnh, thành phố và một số trường bộ, ngành về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác cán bộ, công tác lịch sử Đảng, công tác trường chính trị và một số công tác khác. Đây là hoạt động có tính đột phá mới, thể hiện rõ nét sự chỉ đạo, quản lý hệ thống sâu sát, hiệu quả của Học viện đối với các trường chính trị, trường bộ, ngành được lãnh đạo các địa phương, các ngành, các trường đánh giá rất cao; nội dung các cuộc làm việc đã tháo gỡ cho các địa phương và các trường nhiều vấn đề liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất - kỹ thuật... Sau các cuộc làm việc đều có Thông báo Kết luận của đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện gửi tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân và trường chính trị các tỉnh, đề cập nhiều vấn đề cụ thể; kiến nghị các tỉnh, thành ủy phối hợp chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng, công tác trường chính trị, công tác lịch sử Đảng và những mặt công tác khác có liên quan.

Ngày 9-9-2016, lần đầu tiên Giám đốc Học viện ban hành Công văn số 1123/HVCTQG về việc phối hợp chỉ đạo công tác trường chính trị và đề nghị thường trực các tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phân công lãnh đạo phụ trách trường chính trị. Đến nay, nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã phân công các đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phụ trách trường chính trị, tổ chức định kỳ làm việc với trường chính trị, trực tiếp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, kịp thời chỉ đạo và giải quyết các đề xuất, kiến nghị theo thẩm quyền. Trong đó, có những địa phương mà bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp phụ trách trường chính trị. Nhờ vậy, công tác lãnh đạo của tỉnh ủy, thành ủy đối với các trường cũng kịp thời hơn, hiệu quả hơn, việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên của các trường được chăm lo hơn, hàng chục trường được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật theo hướng hiện đại.

Ngày 9-5-2017, Giám đốc Học viện ban hành Công văn số 484/HVCTQG-TCT gửi thường trực các tỉnh ủy, thành ủy về tạo điều kiện cho giảng viên trường chính trị cấp tỉnh có thời gian công tác tại trường từ 5 năm trở lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được học cao cấp lý luận chính trị không tính vào chỉ tiêu của tỉnh, thành phố.

Học viện cũng tiến hành tổng kết, đánh giá sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy đối với công tác trường chính trị, những chuyển biến của các trường chính trị sau khi có Kết luận của đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện tại các cuộc làm việc, nhất là những kiến nghị, đề xuất của Học viện đối với các tỉnh, thành ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và công tác trường chính trị nói riêng. Sau khi đoàn công tác của Giám đốc, Phó Giám đốc Học viện về làm việc, nhiều địa phương, nhiều trường đã có sự chuyển biến mạnh mẽ như: công tác đào tạo, bồi dưỡng của các trường chính trị ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả hơn; nhiều trường đã được tăng cường trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật, củng cố tổ chức bộ máy, đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập; có thêm các đề tài khoa học cấp tỉnh; nhiều trường đã xây dựng được đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm là những cán bộ lãnh đạo, quản lý có kinh nghiệm ở địa phương, 170 giảng viên có thời gian công tác trên 5 năm của các trường chính trị được ưu tiên đi học cao cấp lý luận chính trị, được tham dự họp Hội đồng nhân dân, các hội nghị có liên quan, chương trình làm việc quan trọng của tỉnh, thành phố, qua đó kịp thời cập nhật những nội dung mới vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

Ba là, nghiên cứu, biên soạn, bổ sung chương trình; từng bước hoàn thiện giáo trình, tài liệu phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng và hướng dẫn các trường chính trị, trường bộ, ngành thực hiện chương trình, giáo trình. 

Tổ chức nghiên cứu, biên soạn Chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính được ban hành kèm theo Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG ngày 21-4-2014 thay thế cho chương trình ban hành năm 2009. Chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính áp dụng từ năm 2014 có 1.056 tiết (8 tiết/ngày) được thực hiện trong 6 tháng, gồm 7 phần: Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam;  Những vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị, nhà nước, pháp luật và quản lý hành chính nhà nước; Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội; Kỹ năng lãnh đạo, quản lý và nghiệp vụ công tác Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân; Tình hình, nhiệm vụ của địa phương (hoặc ngành); Nghiên cứu thực tế cuối khóa, ôn thi tốt nghiệp, thi tốt nghiệp hoặc viết tiểu luận cuối khóa.

Tuy nhiên, do yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, Chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính đã được điều chỉnh 2 lần vào các năm 2016 và năm 2018. Ngày 14-7-2016, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 3136/QĐHVCTQG về điều chỉnh chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính hướng tăng giờ thảo luận trên lớp. Trên cơ sở Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư và thực tiễn hoạt động giảng dạy, học tập của các trường chính trị, Giám đốc Học viện đã ban hành Quyết định số 8008-QĐ/HVCTQG ngày 24-12-2018 về điều chỉnh chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính. 

Thực hiện chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính, Giám đốc Học viện đã ban hành Hướng dẫn số 134/HD-HVCTQG ngày 21-7-2016 về thực hiện chương trình này. Thực hiện chương trình mới theo Quy định số 09-QĐi/TW, Giám đốc Học viện đã ban hành Hướng dẫn số 614-HD/HVCTQG ngày 26-12-2018 thay thế Hướng dẫn số 134/HD-HVCTQG về việc thực hiện Chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Theo đó, thời lượng phân bổ cho các phần học, bài học, phân công giảng dạy cho 3 khoa chuyên môn hợp lý hơn, hài hòa hơn.

Năm 2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ xây dựng mới Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ trung cấp lý luận chính trị) để ban hành vào giữa năm 2020.

Để thống nhất việc thực hiện chương trình, giáo trình, ngày 6-1-2015, Học viện đã ban hành Hướng dẫn số 167/HD-HVCTQG về biên soạn phần “Tình hình, nhiệm vụ của địa phương (hoặc ngành)” thành tập bài giảng thuộc chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Học viện đã thẩm định 63/72 tập bài giảng của các trường chính trị, trường bộ, ngành, Nhà xuất bản Lý luận chính trị xuất bản, đưa vào phục vụ giảng dạy, học tập. Đây là lần đầu tiên tập bài giảng của các trường chính trị được biên soạn công phu, được Học viện in thành sách, tiến tới hình thành giáo trình chuẩn.

Hướng dẫn các trường chính trị tổ chức xây dựng và thực hiện một số chương trình bồi dưỡng chức danh, bồi dưỡng cập nhật kiến thức về đường lối, chính sách và nghiệp vụ công tác v.v.. Trên cơ sở Quy định số 164-QĐ/TW ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Học viện đã xây dựng chương trình và biên soạn tập bài giảng dành cho đối tượng 4 và hướng dẫn các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc bồi dưỡng đối tượng 4. Ngày 26-4-2017, Giám đốc Học viện ban hành Kế hoạch số 74/KH-HVCTQG về chỉnh lý, bổ sung, biên soạn mới nội dung tài liệu bồi dưỡng cán bộ thuộc diện ban thường vụ huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh và tương đương quản lý (đối tượng 4). Cùng với chỉnh lý, cập nhật 7 chuyên đề cũ, Học viện biên soạn mới 2 chuyên đề. Tập tài liệu chỉnh lý phục vụ các trường chính trị mở lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đối tượng 4 từ tháng 8-2017.

Từ năm 2019, Học viện tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng chương trình bồi dưỡng cho các chức danh khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội cấp cơ sở.

Bốn là, xây dựng, ban hành quy chế quản lý đào tạo và hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, hướng dẫn công tác trường chính trị.

Ngày 21-4-2016, Giám đốc Học viện ban hành Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG về việc ban hành bộ Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để phù hợp với Quy định số 09-QĐi/TW, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, ngày 2-5-2019, Giám đốc Học viện đã ban hành Quyết định số 2252QĐ/HVCTQG về việc ban hành bộ Quy chế quản lý đào tạo mới gồm 4 quy chế với rất nhiều nội dung mới, được các trường chính trị đánh giá là bộ quy chế khoa học nhất từ trước đến nay. Lần đầu tiên, Học viện xây dựng quy chế quản lý hoạt động bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với việc ban hành quy chế quản lý hoạt động bồi dưỡng, hệ thống văn bản quản lý của các trường chính trị đã được từng bước hoàn thiện.

Ngày 30-5-2017, Giám đốc Học viện ban hành Quyết định số 2356/QĐ-HVCTQG về việc ban hành Quy chế Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Ngày 23-4-2015, Giám đốc Học viện ban hành Quyết định số 1627/QĐ-HVCTQG về việc ban hành Quy chế Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương (phục vụ Hội thi lần thứ VI-2017). Ngày 13-3-2018, Giám đốc Học viện ban hành Quyết định số 1269/QĐ-HVCTQG về việc ban hành Quy chế Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương (phục vụ Hội thi lần thứ VII-2020).

Năm năm qua, Học viện đã ban hành 64 văn bản hướng dẫn, trong đó đáng chú ý có hướng dẫn ban hành mẫu giáo án, giáo án thảo luận, Sổ theo dõi giảng dạy và học tập, lấy ý kiến phản hồi từ người học, hướng dẫn về hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên và cán bộ, giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương..., chỉ đạo các trường chính trị tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng. Hệ thống quy chế quản lý đào tạo và các văn bản hướng dẫn nói trên đã tạo căn cứ cho các trường tăng cường công tác quản lý dạy và học, đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1-9-2017 của Chính phủ về đào tạo cán bộ, công chức, viên chức.

Giải đáp ý kiến và hướng dẫn các trường chính trị, trường bộ, ngành trong việc thực hiện chương trình, quy chế quản lý đào tạo, chế độ, chính sách và một số vấn đề liên quan khác. 

Học viện đã hướng dẫn và trực tiếp chỉ đạo 2 hội nghị quan trọng là: Tổng kết 10 năm công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi (2008-2018), Tổng kết 10 năm Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị đào tạo cán bộ chính trị cho tỉnh Salavan, tỉnh Savanakhét, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (2008-2018).

Học viện đã tổ chức đoàn công tác đi thanh tra, kiểm tra và tham dự hoạt động của các cụm thi đua, một số trường chính trị về việc thực hiện chương trình, giáo trình, bộ Quy chế quản lý đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học, thanh tra, khảo thí, thi đua - khen thưởng và các mặt công tác khác. 

Học viện đã làm việc với Bộ Công an, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, lãnh đạo một số bộ, ngành, đoàn thể Trung ương về những công tác có liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, công tác thi đua - khen thưởng. Tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện quy chế quản lý đào tạo, dự giờ các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại các trường cán bộ của các bộ, ngành đoàn thể Trung ương, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót của các trường về đối tượng tuyển sinh, công tác tổ chức quản lý đào tạo. 

Tham dự hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên, học viên một số trường chính trị để nắm bắt tình hình, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, hướng dẫn.

Năm là, tổ chức Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Năm năm qua, Học viện đã tổ chức thành công 2 hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội thi lần thứ V tổ chức vào tháng 10, 11 năm 2014 với 125 giảng viên của 63/63 trường chính trị tỉnh, thành phố và 2 trường bộ, ngành tham gia. Hội thi lần thứ VI tổ chức vào tháng 10-2017 với 134 giảng viên của 63/63 trường chính trị tỉnh, thành phố và 4 trường bộ, ngành tham gia. 

Học viện thường xuyên đôn đốc, kịp thời hướng dẫn các trường làm tốt việc tổ chức thao giảng cấp khoa, cấp trường nhằm duy trì nền nếp thao giảng, đồng thời tư vấn, trực tiếp tham dự nhiều hội thi cấp trường để rút kinh nghiệm.

Sáu là, hoạt động nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng cán bộ, giảng viên của các trường chính trị, trường bộ, ngành.

Tổ chức tốt các lớp đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tư liệu, thư viện, tập huấn giáo trình. Trong 5 năm (2014-2019), Học viện đã tổ chức trên 50 lớp bồi dưỡng về công tác lãnh đạo, quản lý, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy tích cực, phương pháp quản lý đào tạo với 2.268 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên các trường chính trị, trường bộ, ngành. Các lớp bồi dưỡng, tập huấn đã mang lại hiệu quả thiết thực và được các trường đánh giá cao. 

Nhằm tạo điều kiện cho giảng viên học tập kinh nghiệm quốc tế, mở rộng kiến thức, nâng cao trình độ, Học viện đã tổ chức tổ chức cho hơn 40 cán bộ, giảng viên các trường chính trị đi nước ngoài học tập theo Chương trình 165 hoặc Chương trình hợp tác với JICA, tổ chức 3 đoàn với 48 cán bộ, giảng viên của các trường đi nghiên cứu, trao đổi, học tập tại Hàn Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc bằng kinh phí tự túc.

Học viện đã chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị. Từ tháng 6-2014, đã hướng dẫn Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình thí điểm tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị. Đến nay, hầu hết các trường đã tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị. Nhiều trường đã đưa việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị vào nền nếp, tổ chức thường xuyên định kỳ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao tinh thần và chất lượng học tập, rèn luyện của học viên.

Bảy là, xuất bản Bản tin Thông tin công tác trường chính trị và tăng cường cập nhật thông tin từ các trường; hướng dẫn các trường xuất bản bản tin nội bộ. Được phép của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bản tin Thông tin công tác trường chính trị do Học viện xuất bản đã tăng từ 32 lên 52 trang, xuất bản đều kỳ 4 số với 4.000 cuốn mỗi năm, gửi tới các trường chính trị, các trường bộ, ngành. Nội dung và hình thức của bản tin được cải tiến, thông tin bổ ích, thiết thực, chuyển tải các văn bản của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của Học viện đối với công tác trường chính trị, giới thiệu mô hình tốt, kinh nghiệm hay về hoạt động mọi mặt của các trường để các trường nghiên cứu, học hỏi. Bản tin có gần 300 bài viết về kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, công tác thi đua, khen thưởng, xây dựng cơ sở vật chất..., hơn 1.000 tin tức, sự kiện, hình ảnh hoạt động của các trường chính trị.

Toàn bộ các số bản tin và thông tin hằng tháng từ các trường chính trị, trường bộ, ngành được kịp thời đưa lên cổng thông tin điện tử của Học viện để làm tài liệu tham khảo rộng rãi cho các trường, để các trường nghiên cứu, học tập lẫn nhau. Học viện tổ chức một số buổi tọa đàm với chủ đề “Bản tin Thông tin công tác trường chính trị và bản tin các trường chính trị góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ” tại một số trường chính trị nhằm nâng cao chất lượng bản tin, nội san, hướng bản tin, nội san vào những vấn đề cụ thể, thiết thực. Học viện cũng hoàn thành việc xây dựng Đề án nâng cấp bản tin Thông tin công tác trường chính trị lên tạp chí.

Học viện đã có Công văn số 429/HVCTQG-TCT ngày 7-52015 chỉ đạo về việc nâng cao chất lượng, từng bước chuẩn hóa bản tin của các trường chính trị, thống nhất từ năm 2016 lấy tên gọi Thông tin Lý luận và thực tiễn (trừ Tạp chí của Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh) là tên chung cho bản tin các trường chính trị, hướng tới việc xây dựng mô hình trường chính trị chuẩn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thực tiễn về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý các cấp. Hiện nay, tất cả các trường đã chuyển đổi thống nhất theo tên gọi này.

Tám là, hướng dẫn các trường chính trị hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

Năm năm qua, Học viện đã đầu tư 6 đề tài khoa học, trong đó có 4 đề tài khoa học cấp bộ để nghiên cứu về công tác trường chính trị (3 đề tài đã nghiệm thu, 2 đề tài sẽ nghiệm thu trong thời gian tới). Học viện đã hướng dẫn, góp ý để các trường triển khai các đề tài nghiên cứu tổng kết các vấn đề thực tiễn ở địa phương về: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cho hệ thống chính trị cơ sở; xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn; quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nông thôn mới v.v..

Tổ chức và tham gia tổ chức hội nghị, tọa đàm khoa học ở nhiều trường chính trị về chương trình, giáo trình; về đổi mới công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; về tổ chức nghiên cứu khoa học v.v..

Hướng dẫn các trường hằng năm tổ chức hàng trăm lượt cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở các địa phương, cơ sở. 

Việc hướng dẫn, tư vấn, tham gia với các trường chính trị tổ chức và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học không chỉ góp phần tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên các trường nâng cao trình độ, rèn luyện khả năng tư duy, phương pháp, phong cách nghiên cứu khoa học, mà còn giúp đội ngũ này có điều kiện bổ sung thêm các tài liệu thực tế phong phú, mới mẻ phục vụ cho giảng dạy, học tập, góp phần tổng kết thực tiễn các địa phương, cơ sở.

Học viện và các đơn vị của Học viện đã phối hợp với các địa phường, trường chính trị tổ chức hàng chục các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học tại các trường, cụm trường, trong đó có hội thảo khoa học cấp bộ về xây dựng trường chính trị chuẩn sẽ được tổ chức vào tháng 9-2019 tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa.

Chín là, tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác trường chính trị hàng năm, tổng kết 10 năm các trường chính trị đào tạo cán bộ chính trị cho nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Hàng năm, Học viện đều tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác trường chính trị của năm học đã qua, triển khai nhiệm vụ năm học mới, làm công tác thi đua, khen thưởng đối với các trường chính trị có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. 

Năm 2017, Học viện đã tổ chức tổng kết 10 năm các trường chính trị của Việt Nam đào tạo cán bộ chính trị cho nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Mười là, công tác thi đua, khen thưởng.

Tổ chức chia cụm thi đua hệ thống các trường chính trị, trường bộ ngành thành 10 cụm thi đua, hằng năm đều có hướng dẫn hoạt động và tổ chức phong trào thi đua của các cụm gắn với nhiệm vụ chính trị trong từng năm, tổ chức chấm điểm, đánh giá kết quả triển khai các phong trào thi đua. Giai đoạn 2014-2019, Giám đốc Học viện tặng Cờ thi đua cấp bộ cho 21 tập thể; tặng Bằng khen cho 49 lượt trường có thành tích trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vào các dịp đại hội thi đua yêu nước, tổng kết công tác năm, kỷ niệm thành lập trường. 

Tổ chức gặp mặt và tặng Bằng khen cho 64 đồng chí nguyên Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng khi nghỉ hưu. 

Tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị” cho gần 2.000 cán bộ, giảng viên trường chính trị và tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Lịch sử Đảng” cho gần 100 cán bộ, giảng viên trường chính trị. Học viện trình Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hiệp y khen thưởng bậc cao cho gần 50 tập thể và gần 30 cá nhân có thành tích xuất sắc của các trường chính trị.

Mặc dù đã có bước đột phá song 5 năm qua, công tác trường chính trị của Học viện cũng còn những hạn chế, bất cập. Còn nhiều địa phương, nhiều trường, Học viện chưa bố trí về làm việc được nên chưa có những tác động tích cực, quyết liệt đối với tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đối với công tác trường chính trị; chưa nắm đầy đủ tình hình hoạt động của các trường để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi cần thiết.

Một số công việc trong chỉ đạo của Học viện còn chậm, trong đó có việc chưa ban hành được một số chương trình, tài liệu bồi dưỡng chức danh để các trường thực hiện; một số bất cập trong bộ quy chế quản lý đào tạo chưa được kịp thời chỉnh sửa, bổ sung.

2. Phương hướng chủ yếu của công tác trường chính trị trong thời gian tới

Một là, phối hợp với các ban Đảng Trung ương, các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, đôn đốc các tỉnh ủy, thành ủy, các trường chính trị, thực hiện nghiêm túc Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư khóa XII về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phấn đấu hoàn tất trong quý III-2019. Hướng dẫn các trường gắn việc thực hiện Quy định số 09-QĐi/TW với việc xây dựng đề án chuẩn hóa trường chính trị từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ giảng viên và hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở. Học viện lựa chọn một số trường chính trị để xây dựng điểm, từ đó rút kinh nghiệm hướng dẫn những bước tiếp theo.

Hai là, nghiên cứu đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng theo phương châm “cơ bản, hiện đại, thiết thực, gắn với thực tiễn”, trong đó trọng tâm là chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ trung cấp lý luận chính trị) đáp ứng hầu hết các đối tượng người học theo Quy định số 09-QĐi/TW của Ban Bí thư và chương trình bồi dưỡng chức danh khối Đảng ở cơ sở, chương trình bồi dưỡng chức danh người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở. 

Ba là, hướng dẫn các trường chính trị, trường bộ, ngành thực hiện nghiêm túc bộ quy chế quản lý đào tạo, quy chế quản lý hoạt động bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng các quy chế và hướng dẫn khác, tạo bước chuyển biến cơ bản kỷ cương, nền nếp trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các trường làm tiền đề nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay.

Bốn là, tăng cường quản lý hệ thống từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến các trường chính trị, trường bộ, ngành được đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Tiếp tục tổ chức các đoàn công tác của lãnh đạo Học viện làm việc với lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành, các trường để phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy, lãnh đạo các bộ, ngành chỉ đạo có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các trường. Tăng cường sự tham gia của các trường chính trị, trường bộ, ngành với các hoạt động chung của Học viện, nhất là các hoạt động mang tính học thuật, các hoạt động khác thuộc thẩm quyền của Học viện theo Quyết định số 145-QĐ/TW của Bộ Chính trị về Học viện và Quy định số 09QĐi/TW của Ban Bí thư. Thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh ủy, thành ủy, các trường giảng dạy các lớp cán bộ nguồn cấp tỉnh, chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025. Nâng cao chất lượng bản tin Thông tin công tác trường chính trị và các ấn phẩm do Học viện xuất bản phục vụ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các trường.

Năm là, tổ chức tốt một số sự kiện lớn trong toàn hệ thống, trong đó có Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị lần thứ VII-2020, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của các trường.

TS Nguyễn Văn Thắng, Vụ trưởng Vụ Các trường chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

TS Cầm Thị Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Các trường chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.