Định hướng công tác quản lý khoa học ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2020 và Tầm nhìn 2030

15:36 06/09/2019
xem cỡ chữ
T
T
lượt xem: 0

Trong những năm qua, công tác quản lý khoa học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có nhiều chuyển biến tích cực và có bước phát triển vượt bậc. Kết quả của công tác quản lý khoa học được thể hiện ở sự thành công và số lượng hội thảo khoa học quốc tế, cấp nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở được tổ chức, cũng như nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, các loại được thực hiện. Đặc biệt, sự thành công của công tác quản lý khoa học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được thể hiện ở nhiều báo cáo chắt lọc kết quả nghiên cứu, hội thảo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với chất lượng tốt và có đóng góp thiết thực cho quá trình hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hơn nữa, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được sử dụng để hoàn thiện và nâng cao chất lượng bài giảng tại các lớp cao cấp lý luận chính trị, các lớp cao học, tiến sĩ và các lớp bồi dưỡng cán bộ các cấp, trong đó có các lớp cán bộ nguồn Trung ương và địa phương. 

Trong giai đoạn 2014-2019, công tác quản lý khoa học đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần làm tăng lên rõ rệt, thay đổi đáng kể cả về số lượng, quy mô và chất lượng nghiên cứu khoa học. Số lượng các nhiệm vụ khoa học Học viện đã và đang triển khai tăng lên cao hơn nhiều so với giai đoạn trước, với 2.940 nhiệm vụ khoa học, bao gồm: các đề án, đề tài khoa học các cấp; các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp; các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học; thông tin khoa học, liên kết nghiên cứu khoa học với các bộ ngành, trung ương, địa phương và một số nhiệm vụ khoa học khác. 

Quy mô của các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cũng được thay đổi theo hướng nhiều vấn đề lớn hơn, phức tạp hơn. Cụ thể là trong giai đoạn này, Học viện đã triển khai 1 chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 (KX.02) với 20 đề tài nhánh; tổ chức nghiên cứu 5 chương trình cấp bộ trọng điểm với 58 đề tài nhánh; 2 đề án cấp bộ trọng điểm với 14 đề tài nhánh và 32 đề án, dự án, đề tài cấp bộ trọng điểm độc lập; triển khai 3 đề tài hợp tác quốc tế nghiên cứu khoa học. Các hoạt động nghiên cứu khoa học này đã thu hút được hàng trăm cán bộ khoa học, các chuyên gia đầu ngành, các nhà hoạt động thực tiễn trong và ngoài Học viện tham gia và thực sự đã mang lại một số thành công nổi bật trong nghiên cứu khoa học.

Nhờ có nhiều đổi mới trong quản lý khoa học mà các loại hình nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cũng ngày càng đa dạng và phong phú. Ngoài các đề án, đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp bộ trọng điểm, cấp bộ, giám đốc giao nhiệm và cấp cơ sở, Học viện còn chủ trì nghiên cứu các đề án, chương trình, đề tài khoa học cấp quốc tế, quốc gia; các dự án điều tra cơ bản từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế; các đề tài, nhiệm vụ khoa học hợp tác quốc tế, liên kết nghiên cứu khoa học với các bộ, ngành, địa phương trong cả nước; các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED). Đặc biệt, có một số đơn vị còn chủ động dùng nguồn kinh phí tự chủ để triển khai các đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở, các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. 

Điều đặc biệt là, do có thay đổi trong cách thức quản lý mà trong những năm qua, chất lượng thực hiện các nhiệm vụ  nghiên cứu khoa học được nâng cao lên rõ rệt. Với phương châm các đề tài từ cấp bộ trở lên, cũng như các hội thảo khoa học cấp bộ và cao hơn phải có các báo cáo chắt lọc kết quả nghiên cứu với kiến nghị mới, cụ thể để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đưa vào hoạch định đường lối, chính sách, đóng góp vào xây dựng các văn kiện của Đảng, cũng như đóng góp vào xây dựng chính sách của Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương. Các đề tài cấp cơ sở và các hội thảo khoa học cấp viện phải có chắt lọc kết quả nghiên cứu để hoàn thiện và nâng cao chất lượng giáo trình, bài giảng các loại lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện. 

Học viện đã đạt được nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, có thể nêu một số nhiệm vụ nghiên cứu khoa học lớn trong 5 năm trở lại đây (2014-2019) như sau:

- Từ năm 2014 trở lại đây, Học viện đã chủ trì thực hiện 92 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia, gồm 20 đề tài khoa học thuộc chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia (KX.02): Nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin - cấu phần quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới; 43 đề tài khoa học cấp quốc gia thuộc các chương trình khoa học - công nghệ khác và thuộc NAFOSTED; 4 đề tài khoa học biên soạn lịch sử Đảng trên giao cho Học viện chủ trì nghiên cứu, biên soạn; 3 tài thuộc Đề án Nghiên cứu đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân do Thủ tướng Chính phủ giao; 22 đề tài khoa học nghiên cứu sưu tầm tài liệu và viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam do Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư giao và một số đề tài phối hợp với các ban, bộ, ngành ở Trung ương và các tỉnh, thành, địa phương thực hiện.  

Nhiệm vụ trọng tâm của các đề án, chương trình, đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia là tập trung vào nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về quan điểm, đường lối, chính sách xây dựng và phát triển đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam; về những vấn đề cấp thiết đang đặt ra trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về xây dựng Đảng, về Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền; về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; về xây dựng và phát triển xã hội, văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh mới v.v.. Đây là những căn cốt cần phải tập trung nghiên cứu, giải quyết nhằm đóng góp vào việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phục vụ trực tiếp công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong toàn hệ thống Học viện. 

- Toàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã triển khai nghiên cứu 6 đề án, chương trình khoa học cấp bộ trọng điểm với 72 đề tài nhánh và 30 đề án, đề tài độc lập cấp trọng điểm từ năm 2014 đến nay. Một số đề án, dự án, chương trình, đề tài cấp bộ trọng điểm tiêu biểu triển khai trong giai đoạn 2014-2019 như: Đề án Tổng thể về chính sách đối với Phật giáo Nam tông Khmer và đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (do Thủ tướng Chính phủ giao, với 13 đề tài); Đề án Nghiên cứu, tổng kết làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (do Ban Bí thư giao, với 13 đề tài); Đề án Bảo đảm và đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền ở Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế (Thủ tướng Chính phủ giao, với 9 đề tài); Chương trình Nghiên cứu các luận cứ khoa học để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị ở Việt Nam (với 14 đề tài); Đề án Những giải pháp đột phá nhằm thực hiện sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng (với 11 đề tài); Chương trình Nghiên cứu đề xuất định hướng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật (với 9 đề tài) v.v..

 - Trong giai đoạn 2014-2019, Học viện đã triển khai khoảng 170 đề tài cấp bộ xét tuyển và chỉ định. Bên cạnh đó, Học viện cũng đã tổ chức nghiên cứu hàng chục đề tài giám đốc giao nhiệm vụ và khoảng trên 1.000 đề tài cấp cơ sở phân cấp, phân cấp một phần và không phân cấp quản lý cho các đơn vị nghiên cứu khoa học và quản lý chức năng. Mục đích nghiên cứu của loại hình đề tài cấp bộ để khẳng định, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương phát triển của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; giải quyết các vấn đề lý luận, thực tiễn cấp bách, nóng bỏng trong quá trình xây dựng đất nước hiện nay. Nhiệm vụ trọng tâm của loại hình đề tài cấp cơ sở là xây dựng tiềm lực khoa học của các đơn vị; xây dựng, hoàn thiện nội dung, chương trình, giáo trình, tập bài giảng; thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ khoa học trẻ. Nhìn chung, việc triển khai nghiên cứu đã đạt được kết quả tốt, mặc dù “đầu tư nhỏ” nhưng đạt được “hiệu quả lớn”, được đội ngũ cán bộ khoa học, nhất là cán bộ khoa học trẻ hoan nghênh, ủng hộ.

- Giai đoạn 2014-2019, Học viện đã tổ chức trên 431 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học ở nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm: các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học quốc tế, quốc gia, liên bộ, cấp bộ đến cấp cơ sở. Nội dung và hình thức hội thảo hết sức phong phú, đa dạng, từ các hội thảo khoa học về chuyên môn đến các hội thảo kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử quan trọng và các hội nghị tổng kết hằng năm. Đây thực sự là các diễn đàn khoa học để thảo luận, giải quyết nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra một cách cấp thiết trên bình diện đất nước và thế giới. Việc tổ chức hội thảo đang dần được đổi mới theo phương thức trực tiếp trao đổi, phản biện, kiến nghị những vấn đề cốt lõi mà hội thảo nêu ra. Nhiều hội thảo đã xuất bản kỷ yếu và đề xuất được những kiến nghị có giá trị tham khảo cho Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu, quản lý khoa học.

- Hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2014-2019 đã phát triển mạnh. Ngoài các đối tác truyền thống như: Lào, Cuba, Hàn Quốc, Nga, Đức, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, các tổ chức JICA (Nhật Bản), KOICA (Hàn Quốc), UNDP (Liên hiệp quốc)... hợp tác nghiên cứu khoa học còn được mở rộng sang các nước, các tổ chức ở châu Phi, châu Mỹ, khu vực Mỹ Latinh. Học viện đã có quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học với hơn 200 đối tác quốc tế của 60 nước và vùng lãnh thổ. 

Bên cạnh việc tăng cường mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học với các đối tác truyền thống, như: Trường Đảng Trung ương Bắc Kinh, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Lào và một số Trường Đảng tỉnh, thành phố của Trung Quốc và Lào, Học viện đã thiết lập quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học với nhiều đối tác mới là những trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng, tổ chức phi chính phủ thuộc nhiều nước trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế khác, như: Đại học Tổng hợp Portland (Mỹ); Trường Công vụ Singapore; Trường Quản lý nhà nước Kennedy, Trường Hành chính công Maxwell (Mỹ); Học viện Quản lý nhà nước trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga; Học viện Quản lý nhà nước trực thuộc Tổng thống Belarus; Viện Nghiên cứu xã hội quốc tế Hà Lan; Viện Đào tạo quan chức Trung ương Hàn Quốc v.v.. Các Học viện trực thuộc đã có nhiều đối tác quốc tế hợp tác trực tiếp trên lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hình thức và nội dung hợp tác quốc tế cũng đa dạng và ngày càng phong phú hơn. 

Trong 5 năm qua, Học viện cũng đã triển khai thành công một số dự án, đề án, đề tài hợp tác quốc tế nghiên cứu khoa học nổi bật:

 + Các đề tài hợp tác với Lào: Đề tài Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; Đề tài Hệ thống chính trị Lào và Việt Nam: Phân tích, so sánh; Dự án Biên dịch Hồ Chí Minh toàn tập từ tiếng Việt sang tiếng Lào; Đề án Nghiên cứu tư tưởng Cayxỏn Phomvihản.  

+ Đề án hợp tác với Trường Đại học Tổng hợp Xanh Pêtécbua, Liên bang Nga về Hợp tác nghiên cứu, phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với Viện Hồ Chí Minh của Trường Đại học Tổng hợp Xanh Pêtécbua. 

+ Dự án phối hợp với JICA - Nhật Bản là Nâng cao năng lực của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh trong đào tạo cán bộ lãnh đạo và công chức giai đoạn 2013-2016 và Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược giai đoạn 2019-2023.

 + Chương trình phối hợp với KOICA - Hàn Quốc là Chương trình đối tác chia sẻ kinh nghiệm phát triển vì tầm nhìn Việt Nam (DEEP) giai đoạn 2015-2018 v.v.. 

- Từ năm 2014 đến nay, Học viện đã đẩy mạnh việc triển khai hoạt động liên kết, hợp tác nghiên cứu với các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương. Học viện đã ký các chương trình hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội đồng Lý luận Trung ương; phối hợp tổ chức nghiên cứu và tổ chức các hội thảo khoa học với Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương; Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng... Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai tại các địa phương như: ở tỉnh Lai Châu, Cao Bằng, Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ... Tổ chức hội thảo khoa học với các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Nghệ An, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ... Việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác nghiên cứu khoa học không chỉ mang lại lợi ích đáng kể cho Học viện mà còn giúp các bộ, ngành, địa phương giải quyết các vấn đề thực tiễn nảy sinh.

Hội thảo khoa học quốc gia “Doanh nghiệp nhà nước - thành công và những bài học đắt giá” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức vào tháng 6/2014

Kết quả quản lý nghiên cứu khoa học còn phải kể đến đó là công tác tư vấn khoa học và công tác thông tin khoa học đã được triển khai và nâng tầm lên một bước với nhiều hoạt động tích cực và hiệu quả. Sự lắng nghe ý kiến tư vấn tìm chọn các chương trình, đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc các đối tượng khác nhau đã tạo nên khả năng lựa chọn được các chương trình, đề tài giải quyết những vấn đề lý luận lớn, những vấn đề thực tiễn nảy sinh phức tạp, khó khăn. Nhiều hoạt động tư vấn đã góp phần đáng kể cho việc đánh giá các kết quả thực hiện của các chương trình và đề tài nghiên cứu.

Học viện đã đổi mới công tác quản lý khoa học bằng cách tích cực triển khai xây dựng báo cáo chắt lọc kiến nghị gửi Đảng và Nhà nước và góp ý dự thảo các văn bản của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ ngành Trung ương. Đồng thời, Học viện cũng đẩy mạnh xã hội hóa các công trình nghiên cứu khoa học. Theo ước tính sơ bộ, giai đoạn 2014-2019, bình quân hằng năm Học viện có khoảng trên 400 công trình được xã hội hóa dưới các hình thức xuất bản sách, đăng tải trên các báo, tạp chí, bản tin, các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong đó, 100% số đề tài khoa học cấp bộ trọng điểm xuất bản sách và có báo cáo chắt lọc kết quả nghiên cứu kiến nghị Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành; khoảng 50% các hội thảo cấp bộ xuất bản sách, kỷ yếu hội thảo khoa học. Kể từ năm 2017 trở lại đây, 100% các dự án, đề án, đề tài khoa học cấp bộ, cấp bộ trọng điểm được yêu cầu xây dựng báo cáo chắt lọc, kiến nghị phục vụ việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các mặt công tác của Học viện. Hiện nay, 100% các đề tài, nhiệm vụ khoa học được đưa vào sử dụng làm tài liệu tham khảo phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu của Học viện.

Với những thành tích nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2014-2019 có thể khẳng định là nhờ có sự đổi mới quản lý khoa học một cách chủ động và tích cực mà công tác nghiên cứu khoa học có những chuyển biến và đổi mới mạnh mẽ thể hiện qua các đánh giá sau: Một là, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hai là, đã góp phần đáng kể vào cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ba là, góp phần tích cực và mạnh mẽ vào việc bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; bổ sung, hoàn thiện lịch sử Việt Nam và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Bốn là, góp phần không nhỏ vào cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ban, ngành, địa phương. Năm là, đã đóng vai trò chủ yếu vào xây dựng nên phông tư liệu và viết lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và tiểu sử của nhiều đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.  Sáu là, nghiên cứu khoa học góp phần tích cực vào xây dựng và phát triển mạnh mẽ đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện. Bảy là, góp phần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của Học viện.

Bên cạnh những thành tích và đóng góp to lớn trong nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu trên, có thể nhận thấy vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót như: Một là, mặc dù số lượng nhiệm vụ khoa học được triển khai trong 5 năm qua là khá lớn; ngoại trừ các đề tài, nhiệm vụ khoa học trọng điểm của Học viện, số còn lại vẫn chưa mang tính hệ thống, quy mô nhỏ lẻ, phân tán, chưa có tầm, nhất là ở các đơn vị trực thuộc. Hai là, việc triển khai các nhiệm vụ khoa học nhiều lúc, nhiều nơi còn đang có xu hướng khép kín, chưa chú ý huy động lực lượng bên ngoài, các nhà khoa học đầu ngành, các cán bộ lãnh đạo, quản lý và nhất là chưa phát huy được tiềm năng chất xám của học viên. Ba là, việc đóng góp của công tác nghiên cứu khoa học trong công tác lý luận của Đảng vẫn còn khiêm tốn. Bốn là, công tác thông tin khoa học chưa có đường nét định hướng cơ bản, dài hạn. Năm là, tuy đã có sự tăng cường và mở rộng các hình thức hợp tác quốc tế về khoa học, nhưng hiệu quả hợp tác khoa học chưa cao. 

Trong giai đoạn 2019-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, công tác quản lý khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần được định hướng trên một số nội sau:

 - Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý khoa học trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng về phát triển khoa học - công nghệ. Đặc biệt, tiến hành nghiên cứu và triển khai tinh thần mới của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sau Đại hội vào năm 2021.

- Hoạt động khoa học của Học viện bên cạnh phục vụ cho nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, là tích cực góp phần tham mưu hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cung cấp các luận cứ khoa học phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn của các bộ, ban, ngành, địa phương; là phương thức hữu hiệu để đào tạo cán bộ khoa học trong Học viện.

- Trong giai đoạn 2019-2020 và tầm nhìn năm 2030 phải đẩy mạnh việc tăng số lượng, mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình nhiệm vụ nghiên cứu, cũng như tăng mạnh về chất lượng nhằm phục vụ một cách có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Chính phủ giao cho Học viện.

 -  Chú trọng đề cao chất lượng, hiệu quả, nâng cao tính mục đích và ý nghĩa thực tiễn của các công trình nghiên cứu khoa học; tăng cường nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu tổng kết thực tiễn. Kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu lý luận gắn với nghiên cứu thực tiễn để những đóng góp khoa học của Học viện thực sự ghi được dấu ấn vào các chủ trương, quyết sách chiến lược của Trung ương, chính sách của Nhà nước.

Để đáp ứng yêu cầu trên cần tập trung triển khai, từng bước  cụ thể hóa các nội dung Chiến lược hoạt động khoa học giai đoạn 2015-2030 và Kế hoạch hoạt động khoa học 5 năm (2021-2025) của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Để công tác nghiên cứu khoa học có thể đạt được hiệu quả cao, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý khoa học, từng bước đưa công tác quản lý khoa học vào nền nếp với các phương thức quản lý hiện đại trong thời gian tới, đó là: 

 - Cần nắm bắt nhanh chóng những thay đổi của thực tiễn trong nước và thế giới, cần chủ động nghiên cứu những vấn đề mới đặt ra mà bản thân lý luận chưa theo kịp. Phải xuất phát từ thực tiễn đổi mới và phát triển của đất nước, đồng thời thể hiện nhất quán quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo của Học viện.

- Đơn giản hóa các cơ chế hoạt động khoa học, cơ chế quản lý tài chính trong nghiên cứu khoa học, loại bỏ những phức tạp, rườm rà, những vướng mắc. Phải có quyết tâm và mạnh dạn đổi mới, thực hiện đổi mới có nguyên tắc, đổi mới toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, có bước đi thích hợp. Trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải có sự thống nhất từ trên xuống dưới, vì sự phát triển của Học viện.

 - Cần xác định đúng tầm và vị thế của Học viện trong hoạt động khoa học. Xử lý tốt trong thực tế giữa chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với nghiên cứu khoa học trong toàn hệ thống Học viện.

 - Cần tăng nguồn lực kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học; tăng cường chủ động khai thác các nguồn lực kinh phí ngoài ngân sách để triển khai nghiên cứu khoa học. Đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học phải có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên cho những nghiên cứu khoa học ứng dụng vào phát triển kinh tế - xã hội và cho chất lượng giáo dục và đào tạo của Học viện. Chú trọng sử dụng kết quả nghiên cứu được áp dụng trong thực tế. Tăng cường hợp tác quốc tế, chú trọng liên kết phối hợp với các ban, bộ, ngành và địa phương để tranh thủ trí tuệ, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

- Nâng cao năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ khoa học, xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học đầu ngành để có khả năng dẫn dắt công tác nghiên cứu không chỉ trong nước mà cả ở khu vực và trên thế giới. Chú trọng hàng đầu nguồn nhân lực khoa học, đặc biệt là nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao. Phát huy cao độ vai trò, uy tín, tác dụng của các nhà khoa học đầu ngành đối với việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trẻ. Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để đội ngũ này nhanh chóng phát huy tác dụng và có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học lý luận chính trị của Học viện.

- Cần chuyên nghiệp hóa hơn nữa trong hoạt động quản lý khoa học, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các đơn vị trong Học viện với tính cách là một chỉnh thể hệ thống. Tăng cường công tác xây dựng báo cáo, công tác kế hoạch... Thường xuyên cải tiến, đổi mới công tác quản lý khoa học, nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý khoa học.

PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.