Đồng chí Nguyễn Thị Bình với những kỷ niệm sâu sắc tại Trường Nguyễn Ái Quốc (khóa học 1957 – 1959)

15:00 02/08/2019
xem cỡ chữ
T
T
lượt xem: 0

Tôi là cán bộ miền Nam tập kết. Đến tháng 11-1955, tôi mới ra Hà Nội, được phân công về công tác ở Hội Liên hiệp phụ nữ Trung ương, làm thư ký cho chị Nguyễn Thị Thập, lúc đó là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội...

Chị Thập và các đồng chí Ban Tổ chức biết tôi hoạt động nhiều năm ở vùng địch tạm chiếm, tại Thành phố Sài Gòn - Chợ lớn, ít được học chính trị, tuy đã từng là Chủ tịch, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ cứu quốc Thành phố. Vì vậy, các đồng chí quyết định cử tôi cùng với một số cán bộ phụ nữ Trung ương đi học lớp lý luận dài hạn (năm 1957-1959) tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Đây là lớp học lý luận dài hạn đầu tiên của Trường Đảng cao cấp sau ngày miền Bắc giải phóng, khóa học kéo dài hơn 18 tháng.

Cùng đi học với tôi, có chị Hoàng Thị Ái, một cán bộ nữ lão thành tham gia cách mạng từ năm 1930; chị Đoan, chị Phương là những cán bộ làm công tác báo chí lâu năm, vừa ở miền Nam ra tập kết như tôi; ngoài ra có các chị Cương, Dung, Thư, Hằng, Tường... là những cán bộ nòng cốt của Liên hiệp phụ nữ Trung ương. Tôi vừa sinh con đầu lòng được một năm thì mẹ con bồng nhau đi học chính trị. Các chị Cương, Dung, Hằng, Thư cũng có con nhỏ nên 5 chúng tôi cùng chung một nhà.

Được cử đi học lý luận chính trị tập trung là điều mong mỏi của tôi từ lâu. Ngay từ những năm đầu kháng chiến tại Sài Gòn, ở nhà đồng chí Hoàng Quốc Tân có nhóm nghiên cứu mácxít. Các đồng chí thường hội họp với nhau, bàn luận tình hình. Ở đó có tủ sách chính trị, có các sách về duy vật biện chứng, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản,... tôi mượn một vài cuốn sách để đọc. Nhưng thú thật lúc đó tôi cũng chưa hiểu gì mấy. Lâu lâu ra chiến khu, tôi tranh thủ đi nghe các cuộc nói chuyện, tập huấn về tình hình nhiệm vụ của nhân dân ta, về tình hình thế giới, về đấu tranh giai cấp, về 2 phe, 4 mâu thuẫn…, đặc biệt nghe đồng chí Hà Huy Giáp giảng về dân chủ mới.

Thực tế hiểu biết của tôi lúc đó chủ yếu là về âm mưu thủ đoạn của thực dân Pháp trở lại áp đặt sự thống trị của chúng, tiếp tục áp bức, bóc lột nhân dân ta; vì thế toàn dân Việt Nam phải đoàn kết lại, bằng mọi hình thức “phải đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập và tự do cho đất nước”…Còn về chủ nghĩa xã hội, tôi cũng như nhiều đồng chí khác, chủ yếu là qua tình cảm và sự tin tưởng ở Liên Xô, đất nước của Lênin, với mong ước “Liên Xô hôm nay, Việt Nam ngày mai”. Vì vậy, được đi học lý luận chính trị tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao cấp của Đảng, là một vinh dự lớn đối với tôi.

Đồng chí Nguyễn Thị Bình và những kỷ niệm về Học viện

Lúc đó cơ sở vật chất của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) còn rất đơn sơ, chỉ có hội trường ở giữa khu trường rộng lớn, có thể chứa 1 nghìn người, hai dãy nhà cấp 4, bên phải, bên trái của hội trường, mỗi bên 6 nhà. Đây là nơi học viên vừa ở, vừa học tập, hội họp. Lúc đó số học viên chia thành 12 chi, mỗi chi khoảng 20 người. Tôi ở chi 2, do đồng chí Tô Văn Của, cán bộ miền Nam tập kết là chi trưởng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến khai giảng lớp học của chúng tôi. Điều đó nói lên sự quan tâm của Bác, của Đảng đối với việc trang bị lý luận chính trị cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ cao cấp của Đảng. Chúng tôi càng hiểu ý nghĩa của quan điểm “không có lý luận cách mạng, không thể có phong trào cách mạng”. Đồng chí Lê Mạnh Trinh - tên thường gọi Nguyễn Tiến (bác Tiến “già” như chúng tôi thường thân mật nói về bác) là Phó Giám đốc của Trường, là một đồng chí lão thành cách mạng, có kinh nghiệm nhiều về công tác tuyên giáo. Tuy điều kiện vật chất lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn, nhưng bác Tiến đã lo mọi việc của Trường rất chu đáo.

Chúng tôi được nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, nhiều nhà khoa học lớn trong nước đến thăm, giảng bài, nói chuyện. Đặc biệt còn có các giáo sư Liên Xô, Trung Quốc đến giảng. Những buổi lên lớp là những ngày quan trọng, không ai muốn vắng mặt. Những đồng chí phiên dịch tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, bản thân vừa là những cán bộ giảng dạy, nên tuy nội dung bài học có lúc khó hiểu đối với một số người, nhưng nhờ các đồng chí phiên dịch nắm vững vấn đề và đã cố gắng giảng giải rõ cho học viên. Đồng chí Đậu Ngọc Xuân, sau này là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đặc biệt xuất sắc trong nhiệm vụ phiên dịch tiếng Nga. Chúng tôi nói vui với nhau: “Sao có lúc thầy Nga nói ngắn mà đồng chí Đậu Ngọc Xuân của chúng ta lại dịch dài thế?”.

Học xong một phần thì có kiểm tra bằng một bản thu hoạch. Việc này đối với một số đồng chí trẻ, có trình độ văn hóa cao thì không khó khăn lắm. Nhưng đối với người lớn tuổi, văn hóa có hạn thì không phải chuyện bình thường. Có đồng chí trong những ngày chủ nhật, ngày nghỉ, người khác đi “chơi”, các đồng chí này phải cặm cụi hoàn thành bài kiểm tra của mình.

Nhưng có lẽ cuộc tổng kiểm tra cuối lớp học mới gay go. Lúc đó con trai tôi hay ốm, có lúc phải đưa đi nằm viện cả chục hôm, vừa chăm con, vừa phải mang bài theo để học. Rồi cũng hoàn thành xong nhiệm vụ.... Bên cạnh tôi, chị Hoàng Thị Ái thì loay hoay mãi. Chị nhớ tất cả nội dung nhưng khi trình bày thì chẳng biết làm như thế nào, đoạn phải để ở trên thì chị để xuống dưới, và ngược lại, đoạn phải để ở dưới lại đưa lên phần trên. Tôi trao đổi, góp ý kiến với chị, chị thấy ra vấn đề, và cuối cùng cũng làm xong bản tổng kết của mình.

Chúng tôi đều là cán bộ đi học, nên mỗi người trong thời gian học tập đều có nỗi bận tâm riêng của mình: về công việc ở cơ quan, ở địa phương, về chuyện gia đình, con cái. Nhưng chắc chắn là những cán bộ nữ như chúng tôi thì vất vả hơn. Các cháu được đi nhà trẻ ở trường, được chăm sóc tốt. Chúng tôi biết ơn các cô nuôi dạy trẻ đã giúp đỡ chúng tôi. Nhưng ngoài giờ nhà trẻ, các mẹ phải đón con về, tắm rửa, cho ăn uống. Đêm lại có cháu không khỏe, quấy mẹ, thì ngày hôm sau lên lớp thật là mệt nhọc vô cùng.

Từ đó đến nay đã 50 năm, nhưng những năm tháng học lý luận cao cấp ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đã để lại trong tôi những kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên. Tôi biết ơn Đảng, và trực tiếp là các đồng chí lãnh đạo nhà trường, cán bộ giảng dạy trong nước và ngoài nước, tất cả công nhân viên của nhà trường đã giúp đỡ chúng tôi được học tập, nâng cao trình độ chính trị tư tưởng để có một bước trưởng thành quan trọng.

Bây giờ khó nói một cách rạch ròi tôi đã thu hoạch được gì cụ thể. Điều rõ ràng là sau khóa học, tôi đã có một phương pháp luận tốt hơn trong công tác, có thể phân tích được những việc mình đã làm, nhìn những vấn đề trước mắt sáng hơn. Nói một cách khác, nhận thức của tôi có những điều mới mẻ, tư duy, phương pháp suy nghĩ có cơ sơ khoa học, có hệ thống hơn. Tôi tin chắc những điều học hỏi được trong thời gian đó đã giúp tôi hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng phải đảm đương sau này.

Nhưng một điều quan trọng nữa mà tôi thu hoạch được: Những lý luận cơ bản đã được học, cần tiếp tục đi sâu tìm hiểu, cụ thể hóa, dưới ánh sáng của thực tiễn để suy nghĩ và hành động đúng hơn. Tình hình thế giới hiện nay phong phú nhưng hết sức phức tạp. Cả những vấn đề trong nước cũng vậy. Nhưng một điều không thể chệch hướng đó là lý luận của chúng ta phải là lý luận cách mạng, nhằm mục tiêu rõ ràng là xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là chủ nghĩa xã hội.

Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam

(Tư liệu kỷ niệm 60 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)