"Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – 70 năm xây dựng và phát triển"

16:54 04/09/2019
xem cỡ chữ
T
T
lượt xem: 0

Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm truyền thống vẻ vang, sáng ngày 4/9/2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: 70 năm xây dựng và phát triển”. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện dự và chủ trì Hội thảo; cùng chủ trì có các đồng chí: Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện; Trần Văn Phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Học viện.

Dự Hội thảo có đồng chí Tô Huy Rứa, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện; đồng chí Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện; các đồng chí nguyên lãnh đạo Học viện qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo Đảng ủy Học viện; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Học viện, cùng sự hiện diện của đại diện các cán bộ công chức viên chức Học viện qua nhiều thế hệ.

 

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc Hội thảo 

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, với nhiều lần thay đổi tên gọi, nhưng Học viện luôn khẳng định và giữ bản sắc Trường Đảng Trung ương. Đó là nhận định của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện trong phát biểu khai mạc Hội thảo.

Được chính thức thành lập vào tháng 9/1949 tại chiến khu Việt Bắc, đến nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển. Trải qua 70 năm với nhiều lần thay đổi tên gọi, nhưng Học viện luôn khẳng định và giữ bản sắc Trường Đảng Trung ương, với 2 nhiệm vụ quan trọng: Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo, quản lý trung cao cấp của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị; Trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cung cấp luận cứ cho việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách cho Đảng, Nhà nước; và là hạt nhân quan trọng trong xây dựng hệ thống giáo dục lý luận chính trị trên cả nước.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã điểm lại những đóng góp, mốc son trong lịch sử phát triển của Học viện, từ những ngày đầu thành lập tại chiến khu Việt Bắc (giai đoạn 1945-1954), đến thời kỳ Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975); Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ đầu cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1975-1986); Học viện Khoa học xã hội Nguyễn Ái Quốc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong những năm đầu thời kỳ đổi mới (1986-1993); Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát triển mang tính hệ thống (1993-2007); Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh với trọng trách mới (2007-2014); Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiến hành đổi mới toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới (2014-2019); và đi đến khẳng định, trong suốt 70 năm qua, kế thừa truyền thống, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có những đóng góp to lớn trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc và của sự nghiệp cách mạng.

Với quyết tâm xây dựng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm nhiệm vụ, hoàn thành sứ mệnh, theo tinh thần kiên định, đổi mới, khẳng định sự phụng sự và cống hiến của Học viện trước Đảng và Nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chung của toàn dân tộc, phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng mong muốn, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Học viện, những cán bộ, công chức, viên chức Học viện tới tình yêu, tâm huyết, trí tuệ của mình có những nhận định, đánh giá, làm sáng tỏ những đóng góp của Học viện trong 70 năm qua; trong đó cần chỉ rõ những yêu cầu, giải pháp mới đối với sự phát triển của Học viện trong thời gian tới trên tinh thần Chiến lược phát triển Học viện đến năm 2025, tầm nhìn 2045.

Làm sáng tỏ những đóng góp của Học viện trong 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển.

Hội thảo đã nhận được gần 40 tham luận của nhà khoa học, các cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống Học viện. Hội thảo đã tập trung làm rõ các vấn đề: 1- Phân tích, làm rõ những đóng góp của Học viện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị; 2- Phân tích và đánh giá một cách sâu sắc những đóng góp của Học viện trong nghiên cứu khoa học, cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; 3- Những tựu, trưởng thành của Học viện trong xây dựng tổ chức đội ngũ, bộ máy và các mặt công tác khác; 4- Đề xuất những kiến nghị, giải pháp để phát triển Học viện ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ; khẳng định sắc thái Trường Đảng Trung ương, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

       Đồng chí Nguyễn Văn Sáu, nguyên Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo

Các ý kiến tham luận đều thống nhất khẳng định qua các thời kỳ lịch sử, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt của hệ thống chính trị có trình độ lý luận, am hiểu thực tiễn, có bản lĩnh và phẩm chất đáp ứng kịp thời và có hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp cách mạng trong từng thời kỳ.

Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến tham góp, đề xuất giải pháp để Học viện thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh, vai trò, chức năng, nhiệm vụ; các ý kiến đều đồng nhất ở việc chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ giảng viên vững vàng về chính trị, có tâm, có tầm, giỏi về chuyên môn, có bản lĩnh, cốt cách người cán bộ, giảng viên Trường Đảng; các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp trọng tâm để Học viện tiếp tục hoàn thành sứ mệnh là trường Đảng Trung ương trên tinh thần kiên định với nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định sự phụng sự, cống hiến và đổi mới của Học viện trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước.

Đồng chí Mạch Quang Thắng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học tham luận tại Hội thảo

Đồng chí Lê Doãn Tá, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị khu vực I phát biểu tại Hội thảo