Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Nơi góp phần hình thành những con người xã hội chủ nghĩa

16:23 30/08/2019
xem cỡ chữ
T
T
lượt xem: 0

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”[1]. Câu nói đó của Người không chỉ thể hiện mong muốn, khát vọng xây dựng một xã hội tốt đẹp hướng tới sự giải phóng triệt và phát triển toàn diện cho con người Việt Nam, mà còn cho thấy xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp khó khăn, lâu dài, cần có sự chuẩn bị, mà trước hết là những con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là những người mang tư tưởng mới, có khát vọng mới, hướng tới hạnh phúc, tự do; có đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có tinh thần quốc tế trong sáng.

Để xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh đặc biệt lưu tâm đến giáo dục, đào tạo để trau dồi tri thức, nâng cao hiểu biết, rèn luyện đạo đức cho mỗi con người. Trong đó, Người đặc biệt quan tâm tới đào tạo cán bộ. Vì “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” [2], “cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể”[3]. “Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”[4]. “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”[5].

Cán bộ là những con người có vị trí, vai trò đặc biệt trong xã hội. Họ là những người định hướng tư tưởng, lãnh đạo, tổ chức các phong trào cách mạng nên yêu cầu về phẩm chất của cán bộ phải khác so với các cá nhân nói chung.

Những tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính là phẩm chất đạo đức. “Đạo đức là gốc”, người cán bộ phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, mới có thể trở thành người cán bộ chân chính, “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[6]. Phẩm chất đạo đức cơ bản đối với mỗi người cán bộ là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, là người kiên định về lập trường, ít ham muốn về vật chất, sẵn sàng hy sinh tất cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và nhân loại. Đó là những con người biết phân biệt giữa “thiện” và “ác”, “chính” và “tà”. Thấm nhuần đạo đức cách mạng, cán bộ sẽ xử lý hài hòa các mối quan hệ với mình, với người và với công việc. Cụ thể, đối với mình: “Phải tìm học hỏi cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo, học lấy điều hay của người ta. Phải siêng năng, tiết kiệm”; đối với công việc: “Phải có kế hoạch”, “phải cẩn thận”; đối với nhân dân: “Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”; đối với đoàn thể: “Phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của Đoàn thể. Phải tuyệt đối trung thành. Khi bình thời phải hết sức làm việc. Khi nguy hiểm phải hy sinh vì Đoàn thể. Hy sinh tính mạng, lợi quyền, giữ danh giá của Đoàn thể”[7]. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, mỗi người cán bộ khi đã dấn thân vào con đường cách mạng, thì phải một lòng vì nước, vì dân, xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Tiêu chuẩn thứ hai của người cán bộ phải là người có năng lực, bản lĩnh để định hướng, lãnh đạo, tổ chức được phong trào cách mạng. Để có năng lực lãnh đạo thì  người cán bộ phải được huấn luyện về mọi mặt, nhất là học tập lý luận. Đã là cán bộ thì ai cũng phải được huấn luyện, phải học tập lý luận để có tư duy lý luận, phải có phương pháp làm việc khoa học, đúng đắn. “Những cán bộ cao cấp và trung cấp  mà có sức nghiên cứu lý luận (trình độ văn hóa khá, ham nghiên cứu), thì ngoài việc học tập chính trị và nghệ nghiệp đều cần học thêm lý luận”[8]. Bởi lẽ, lý luận làm rõ cơ sở của đường lối cách mạng, định hướng cho hành động của các phong trào, giúp nhận thức rõ mục đích, phương pháp đấu tranh để đi đến thắng lợi, tránh được những sai lầm, vấp váp, rủi ro. Tuy nhiên, không phải là học mọi lý luận mà phải học lý luận khoa học, cách mạng, đúng đắn. “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” [9]. “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái "cẩm nang" thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản” [10]

Thông qua việc học lý luận, người cán bộ sẽ giác ngộ cho quần chúng, bày cho quần chúng tổ chức, đấu tranh cho đúng. Nhờ lý luận mà quần chúng hiểu rõ nguyên nhân vì sao mà cực khổ, thấy rõ đường lối đấu tranh để giải phóng mình, hiểu rõ phương pháp đấu tranh với địch. Có lý luận soi đường thì quần chúng hành động mới đúng đắn, mới phát triển được tài năng và lực lượng vô tận của mình.

Khi trình độ lý luận chính trị yếu kém thì nhận thức chính trị không sâu sắc, bản lĩnh chính trị không vững vàng, dẫn đến dao động về lập trường tư tưởng, dễ đánh mất phương hướng và niềm tin vào lý tưởng cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Sự yếu kém về lý luận có thể dẫn dến “tả khuynh” hoặc “hữu khuynh”, bệnh quan liêu, công thần và nạn tham ô hủ hoá... Những sai lầm trong chính sách ruộng đất, mặt trận, dân tộc thiểu số, tôn giáo chính quyền,... trước đây đều do sự yếu kém về trình độ lý luận của cán bộ gây ra. Điều đó làm cho phong trào cách mạng không phát triển được, thậm chí còn gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm cho cách mạng bị tổn thất nặng nề. 

Chính vì vậy, nếu “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[11] thì “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[12]. “Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình”[13]. “Trường Đảng là một trường học để đào tạo những chiến sĩ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản”[14]. Những chiến sĩ tiên tiến ấy có khả năng định hướng, tổ chức các phong trào cách mạng, để đưa cách mạng đến thắng lợi.

Mặt khác, cách mạng là phương thức để thay đổi xã hội cũ với tư tưởng, lối sống lạc hậu thành con người mới với tư tưởng, nhận thức, lối sống mới nên học tập lý luận để làm cách mạng cũng có nghĩa là để thay đổi con người. Những người cán bộ của chúng ta chủ yếu được sinh ra và trưởng thành từ thực tiễn của xã hội cũ, còn ảnh hưởng bởi tư tưởng, lối sống, đạo đức của xã hội cũ nên việc học lý luận không chỉ để nâng cao trình độ, hiệu quả làm việc mà còn để củng cố lập trường, bản lĩnh chính trị, cải tạo tư tưởng cho mỗi cán bộ, đảng viên qua đó chỉnh Đảng, củng cố Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở, là cán bộ không kiêu ngạo, phải biết lắng nghe, học hỏi. Năm 1945, vừa giành được chính quyền, Người đã chỉ ra những căn bệnh, trong đó có bệnh kiêu ngạo, vác mặt “quan cách mạng”, coi khinh dân chúng, coi thường dư luận. Đi vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, công việc của toàn dân càng phải coi trọng mối liên hệ với dân chúng. “Phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”, không “ngồi trong phòng giấy mà viết kế hoạch, ra mệnh lệnh”. Tuy nhiên, người cán bộ cũng biết phân tích tình hình tư tưởng, nhận thức của dân chúng để tránh theo đuôi quần chúng. “Trong dân chúng có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiên tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu”. Cần phải biết lắng nghe, so sánh, tổng kết để tìm ra ý kiến đúng đắn, đầy đủ và nâng cao sự giác ngộ của dân chúng. Muốn vậy thì cần phải học sâu về lý luận.

Trên tinh thần ấy, trong buổi nói chuyện tại Hội nghị Toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tâp (6/5/1950), Người đặt ra câu hỏi: “Học để làm gì?”, sau đó Người đã giải đáp:

“a. Học để sửa chữa tư tưởng... 

  b. Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng: 

  c. Học để tin tưởng:

  d. Học để hành...” [15]

Người cho rằng mỗi cán bộ phải “cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội”[16].

Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi đảng viên và cán bộ phải có lập trường giai cấp vô sản thật vững chắc, giác ngộ về chủ nghĩa xã hội cao; đòi hỏi cán bộ và đảng viên phải rửa sạch ảnh hưởng của những tư tưởng của giai cấp bóc lột, rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện chủ nghĩa tập thể. Nó đòi hỏi cán bộ và đảng viên phải khắc phục các bệnh quan liêu và cô độc hẹp hòi để liên hệ chặt chẽ với quần chúng, do đó mà phát huy được đầy đủ tính sáng tạo của hàng triệu quần chúng nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thấy được tầm quan trọng của việc học tập lý luận nên Bác Hồ rất quan tâm công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ ở một mái trường thực hiện nhiệm vụ ấy. Đó là Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Sự quan tâm của người đối với Học viện nói riêng và công tác đào tạo cán bộ nói chung của Người thể hiện ở 5 lần Bác về thăm Học viện, lần nào Người cũng nêu ra những tư tưởng quan trọng về công tác học tập lý luận, đào tạo cán bộ và vị trí, vai trò của Trường Đảng.

Tại Lễ khai giảng khóa học đầu tiên của Trường Đảng, Bác Hồ đã đến thăm và ghi vào sổ vàng truyền thống những nội dung cơ bản về công tác đào tạo và huấn luyện cán bộ. Người viết:

“Học để làm việc,

làm người,

làm cán bộ.

Học để phụng sự đoàn thể,

phụng sự giai cấp và nhân dân,

phụng sự Tổ quốc và nhân loại.

Muốn đạt mục đích, thì phải: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”[17].

Đây là những định hướng lớn cho sự nghiệp đào tạo cán bộ nói riêng và con người nói chung không chỉ trong thời kỳ cách mạng trước đây mà còn đúng cho đến ngay nay. Nhờ định hướng đó, 70 năm qua, Học viện đã góp phần quan trọng vào công tác đào tạo cán bộ, góp phần hình thành nên những con người xã hội chủ nghĩa.

Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngày nay  Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý chủ chốt trung cao cấp, cán bộ khoa học lý luận của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội. Nếu khóa I (từ tháng 02 đến tháng 4 năm 1949) Trường mới đào tạo được 40 học viên, khóa II (tháng 9 năm 1949) đào tạo được 175 học viên[18], thì các khóa học sau này số lượng học viện ngày càng lớn. Đến năm 1958 – 1960 (sau 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa) nhà trường đã huấn luyện được 1700 cán bộ[19]. Sau giai đoạn này Học viện tiếp tục thực hiện các khóa đào tạo, huấn luyện cán bộ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Tính tổng số cán bộ được đào tạo thời kỳ 1954 – 1975, Học viện đã đào tạo được 43.075 cán bộ cho các ngành, các mặt trận và địa phương [20]. Trong giai đoạn 1975 – 1978 Học viện đào tạo được 3.373 cán bộ trung cấp. Năm 1978 – 1984, Học viện đào tạo được 1270 học viện các lớp dài hạn, 1266 học viên các lớp ngắn hạn. Tính đến năm 1999, trải qua nửa thế kỷ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Học viện (gồm cả 4 phân viện) đã đào tạo, bồi dưỡng được 205.000 cán bộ các đối tượng theo quy định của Trung ương[21].

Từ năm 1986 đến nay, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện càng được chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Không chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận, Học viện còn hướng tới đào tạo chuyên sâu về cao học, nghiên cứu sinh đáp ứng yêu cầu cao của sự nghiệp phát triển đất nước. Chỉ tính từ 1991 đến tháng 6 năm 1999 Học viện đã cấp bằng thạc sĩ cho 848 cán bộ và bằng tiến sĩ cho 302 cán bộ. Trong 5 năm (2009 – 2014), toàn Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng trên 100.000 lượt học viên, sinh viên. Riêng Học viện Trung tâm đã đào tạo, bồi dưỡng được 14.246 học viện cao cấp lý luận, 612 học viên đại học chính trị, 1641 học viên các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, 3103 học viện cao học, 422 nghiên cứu sinh[22].

70 năm qua, với ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân, đất nước, bằng trí tuệ và niềm say mê sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu lý luận chính trị, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, giữ vững bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng, các thế hệ nhà giáo, nhà khoa học, công chức, viên chức của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã góp phần đào tạo hàng triệu lượt cán bộ cho Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội, đóng góp tích cực và có hiệu quả vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Các thế hệ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện dưới mái trường Đảng có trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, những nhà lãnh đạo, nhà lý luận kiệt xuất của Đảng được đào tạo từ Học viện đã đưa ra những quyết sách quan trọng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến cứu nước. Trong thời kỳ xây dựng đất nước, nhiều cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng ở Học viện đã trưởng thành, đảm nhận những cương vị cao trong cơ quan lãnh đạo cấp chiến lược của Đảng, Nhà nước, cán bộ quản lý chủ chốt ở Trung ương và địa phương, đang có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Không chỉ đào tạo đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam, Học viện còn là trường học quốc tế xã hội chủ nghĩa của những người cách mạng để xây dựng những con người xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1973 trở đi, Học viện có điều kiện mở rộng quan hệ quốc tế với các Trường Đảng các nước anh em. Nhiều đảng anh em, nhiều tổ chức cách mạng ở các nước thuộc châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh đã cử cán bộ đến Việt Nam nghiên cứu kinh nghiệm cách mạng của nước ta. Học viện và một số cơ quan đã đáp ứng yêu cầu nghiên cứu của các đoàn bạn. 70 năm qua Học viện đã đào tạo cho hàng nghìn lượt cán bộ, sinh viên cho các nước như đào tạo cán bộ cho Đảng và Nhân dân cách mạng Lào, Camphuchia, Môdămbích... đóng góp cho sự nghiệp cách mạng thế giới. Học viện đã thiết lập quan hệ quốc tế với nhiều đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Thụy Sĩ, Pháp, Tây Ban Nha... góp phần vào việc mở rộng quan hệ của Việt Nam đối với theé giới trong xu thế hội nhập, phát triển.

70 năm qua Học viện cũng trở thành trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học lý luận Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nghiên cứu về khoa học chính trị, góp phần lan tỏa những giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin, về chủ nghĩa nhân đạo, về lý tưởng cộng sản đối với toàn xã hội. Hệ thống giáo trình, giáo khoa trong cả nước phục vụ công tác đào tạo và huấn luyện cán bộ đều do Học viện trực tiếp chỉ đạo, biên soạn. Tháng 8 năm 2014, Đề án 1677 đã biên soạn được 63 chương trình giáo trình (20 chương trình tiến sĩ, 24 chương trình thạc sĩ, 19 chương trình chức danh) [23]. Lần đầu tiên, Học viện có hệ thống giáo trình đồng bộ, chất lượng cao. Những tài liệu ấy đang góp phần vào định hướng cho việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa với niềm tin vào lý tưởng cộng sản, tin tưởng vào tương lai thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Các chương trình đào tạo của Học viện cũng ngày càng đa dạng, phong phú góp phần xây dựng cuộc sống mới, xã hội mới, con người mới.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện cùng với những cán bộ được Học viện đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin để xây dựng đường lối, chính sách, hình thành nền tảng tư tưởng của Đảng, qua đó góp phần vào việc bổ sung, phát triển những nguyên lý, lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, làm sâu sắc thêm nhiều vấn đề lý luận quan trọng. Những vấn đề lý luận về vai trò của đảng cầm quyền, về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, lý luận về tính tất yếu cảu con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đã góp phần xây dựng tư duy chính trị mới, phục vụ sự nghiệp đổi mới, phát triển và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó, Học viện còn góp phần vào cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh với những tư tưởng, đạo đức, lối sống lạc hậu để góp phần định hướng nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với những đóng góp to lớn của mình, Học viện đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng, như Huân chương sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác. Đặc biệt, với những đóng góp quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ cho nước bạn Lào, Học viện được nhận Huân chương Ítxala – Huân chương cao quý nhất do Đảng Nhân dân cách mạng Lào trao tặng. Đây là sự ghi nhận, sự động viên lớp lớp các thế hệ cán bộ, giảng viên Học viện trong công tác 70 năm qua.

Phát huy truyền thống ấy, ngày nay, các thế hệ cán bộ của Học viện vẫn đang nỗ lực phấn đấu, không ngừng học tập, rèn luyện để góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ chung của Học viên là đào tạo cán bộ để hình thành những con người xã hội chủ nghĩa./.

PGS,TS. Đặng Quang Định

Phó Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.66.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.309.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.356.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.356.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.68.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 292

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.68-69.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.311.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.289.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.563.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.309.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.309.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.90.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.95.

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.360

[16]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.266.

[17]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. CTQG, Hà Nội 2011, tr.IX

[18] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 65 năm xây dựng và phát triển, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội 2015, tr.31-32.

[19] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 65 năm xây dựng và phát triển, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội 2015, tr.48.

[20] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 65 năm xây dựng và phát triển, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội 2015, tr.63.

[21] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 65 năm xây dựng và phát triển, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội 2015, tr.113.

[22] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 65 năm xây dựng và phát triển, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội 2015, tr.169.

[23] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 65 năm xây dựng và phát triển, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội 2015, tr.170.