Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (từ 1993 đến nay)

14:38 18/04/2019
xem cỡ chữ
T
T
lượt xem: 0

* Ngày 10-3-1993, Bộ Chính trị khóa VII ra Quyết định số 61/QĐ-TW "Về việc sắp xếp lại các trường Đảng Trung ương chuyển thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh". Quyết định của Bộ chính trị xác định rõ: "Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học về lý luận chính trị của Đảng và Nhà nước". Theo quyết định này, các Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực I, II, III trực thuộc Trung ương trước đây, được chuyển thành Phân viện Hà Nội, Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh, Phân viện Đà Nẵng và Trường Đại học Tuyên giáo trực thuộc Ban tuyên giáo Trung ương chuyển thành Phân viện Báo chí và Tuyền truyền trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Ngày 22-6-1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/CP, xác định ghi rõ: "Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan trực thuộc Chính phủ". Học viện đặt tại Hà Nội, có các Phân viện Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Phân viện Báo chí-Tuyên truyền.

Để tăng cường tiềm lực cả về số lượng và chất lượng cho công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong giai đoạn mới, ngày 30/10/1996 Bộ Chính trị ra Quyết định số 07/QĐ-TW hợp nhất Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, lấy tên là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Sau hợp nhất, ngày 20-10-1999, Bộ Chính trị ra Quyết định 67/QĐ-TW "Về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh". Theo Quyết định này Học viện là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng thời là trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

* Ngày 4-02-1997, Bộ Chính trị ban hành quyết định số 166/QĐNS/TW thành lập Ban Cán sự Đảng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để thay mặt Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Ngày 03-02-2004, Ban Cán sự Đảng Học viện ra Nghị quyết số 04/NQ-BCS về "Một số chủ trương và giải pháp trước mắt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh". Triển khai thực hiện nghị quyết của Ban Cán sự Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ra Quyết định số 80/QĐ-HVCTQG ngày 19/2/2004 và quyết định số 685/QĐ-HVCTQG ngày 10-4-2006, cụ thể hoá các mục tiêu, bước đi và biện pháp thực hiện nội dung Nghị quyết Ban Cán sự Đảng trong toàn hệ thống Học viện, đặc biệt coi trọng hai nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng và các quyết định nói trên của Giám đốc Học viện đã tạo ra một bước chuyển biến mới ở Học viện.

* Trước yêu cầu mới là đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ngày 30-7-2005 Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW về :"Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh". Nghị quyết chỉ rõ mục tiêu, quan điểm và nội dung đổi mới công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện hiện nay. Ngày 02-8-2005, Bộ Chính trị ra Quyết định số 149/QĐ-TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Theo Quyết định này, cơ cấu, tổ chức của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gồm: Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Báo chí - Tuyên truyền và các viện, vụ, ban, văn phòng, tạp chí, nhà xuất bản.

Ngày 17-5-2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 48/2006/NĐ-CP về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Điều 1 Nghị định ghi rõ: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là đơn vị sự nghiệp thuộc Chính phủ, là đơn vị tài chính cấp I.

Các nghị quyết, quyết định và nghị định trên đây tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ quan trọng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới - giai đoạn đổi mới toàn diện và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Triển khai thực hiện nghị quyết, quyết định của Bộ Chính trị; nghị định của Chính phủ, Học viện đã xây dựng một số đề án đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật để ngang tầm với đòi hỏi của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nội dung chủ yếu các đề án như sau :

- Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thế giới hiện đại vào nội dung giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Học viện trong giai đoạn mới;

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải bám sát mục tiêu, yêu cầu định hướng của chiến lược cán bộ, gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ. Coi trọng chất lượng đào tạo. Phân định rõ giữa đào tạo cơ bản với bồi dưỡng theo chức danh. Rút ngắn hợp lý thời gian đào tạo. Chú trọng đào tạo tập trung;

- Đổi mới, hoàn thiện chương trình các hệ đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chọn lọc, thiết thực, sát hợp với đối tượng và mục tiêu đào tạo, Học viện đã và đang biên soạn lại các loại chương trình sau: chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị; chương trình bồi dưỡng, chương trình nâng cao, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; chương trình đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ để chuẩn hoá chức danh công chức; chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành lý luận chính trị và một số chuyên ngành khoa học- xã hội và nhân văn khác; chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học các cán bộ trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, tuyên truyền và giảng viên lý luận chính trị. Việc đổi mới chương trình, nội dung phương pháp đào tạo quán triệt yêu cầu vừa bảo đảm tính khoa học, cơ bản và hệ thống, vừa bảo đảm tính hiện đại, thực tiễn và chuyên môn nghiệp vụ;

- Thực hiện đào tạo toàn diện, chú trọng nâng cao trình độ kiến thức, rèn luyện năng lực tư duy khoa học, khả năng xử lý tình huống, trau dồi đạo đức, lối sống; gắn bồi dưỡng lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. Áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại và học tập theo phong cách nghiên cứu nhằm phát huy cao độ tính chủ động, tích cực, khả năng độc lập suy nghĩ của người học;

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học nhằm đóng góp kịp thời và thiết thực vào việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tham gia tích cực vào công tác tư tưởng của Đảng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Gắn tổng kết thực tiễn với phát triển lý luận;

- Phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trên các hướng: nghiên cứu phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu đóng góp vào sự phát triển lý luận, cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tổ chức thảo luận, làm sáng tỏ những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn đang có ý kiến khác nhau, đấu tranh chống các quan điểm lệch lạc và luận điệu sai trái, góp phần tích cực vào công tác tư tưởng của Đảng;

- Chú trọng cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu lý luận gắn với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Tăng cường nghiên cứu liên ngành, phối hợp giữa Học viện với các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các cơ quan khoa học khác và cấp uỷ, chính quyền địa phương trong nghiên cứu khoa học. Tổ chức để học viên cùng tham gia các hoạt động khoa học;

- Tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản, nhằm làm sáng tỏ những giá trị, sức sống và ý nghĩa của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện, trọng tâm là vấn đề Đảng cầm quyền; xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; về vấn đề toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế... Tạo ra những công trình, sản phẩm khoa học lớn, có uy tín xã hội cao;

- Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý khoa học; tăng cường công tác thông tin khoa học; mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học;

- Coi trọng việc xây dựng và thực hiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu, đặc biệt là cán bộ khoa học đầu ngành; có biện pháp mạnh mẽ và cấp thiết để sau một số năm đáp ứng đủ số lượng, đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu cho Học viện;

- Mời các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cán bộ lãnh đạo ở các cơ quan Trung ương và địa phương có đủ điều kiện làm giảng viên kiêm nhiệm của Học viện.

- Thực hiện trao đổi giảng viên với một số cơ sở đào tạo có uy tín trong khu vực và trên thế giới;

- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất - kỹ thuật của Học viện để tương xứng một trung tâm đào tạo và nghiên cứu lớn của quốc gia và khu vực.

* Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, ngày 07-5-2007, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 60-QĐ/TW về việc hợp nhất Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính thành Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

* Ngày 06-01-2014, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 224-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Theo Quyết định này, Học viện Hành chính trực thuộc Bộ Nội vụ, đồng thời Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đổi tên thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đồng chí Bun-nhăng Vo-la-chít, Tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào thăm Học viện (25/4/2016)

Từ năm 2014 đến năm 2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có những bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ. Học viện nhận thức rõ và thể hiện ngày càng sâu sắc về trách nhiệm, sứ mệnh cao cả đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và toàn xã hội, luôn chủ động và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện bước đầu cuộc cách mạng 4.0…

- Ban Lãnh đạo Học viện đặc biệt coi trọng đổi mới và tăng cường sự quản lý thống nhất trong toàn hệ thống Học viện gắn liền với sự phân cấp và phát huy tính chủ động của các đơn vị trực thuộc. Học viện là một trong những cơ quan Trung ương đầu tiên tiến hành thành công việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả.

- Học viện đã nỗ lực đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập ở tất cả các chương trình và hệ lớp; đồng thời, tăng cường công tác quản lý trong toàn hệ thống Học viện. Lần đầu tiên Học viện được Trung ương giao nhiệm vụ quan trọng là phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị và triển khai Đề án Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cao cấp của Trung ương. Đồng thời, trên cơ sở nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức lớp dự nguồn Trung ương, Học viện đã hướng dẫn, phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh; tiến hành thường xuyên, hiệu quả các lớp bồi dưỡng Bí thư huyện ủy và các lớp bồi dưỡng theo chức danh.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học theo hướng lấy việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của Học viện và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước làm tiêu chí hàng đầu, Học viện tiến hành thực hiện hàng trăm đề tài, đề án, dự án nghiên cứu khoa học các cấp có chất lượng ngày càng cao, góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan trọng được Trung ương Đảng, Chính phủ và xã hội đặt hàng.

- Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; công tác các trường chính trị; hoạt động đối ngoại của hệ thống Học viện… đều có những bước chuyển rõ rệt, qua đó củng cố mạnh mẽ mối quan hệ giữa Học viện với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, giữa Học viện với các cơ quan Trung ương và các địa phương.

- Trong bối cảnh chức năng, nhiệm vụ và quy mô đào tạo của hệ thống Học viện ngày càng tăng, Học viện Trung tâm và các Học viện trực thuộc đã có nhiều đổi mới, cải tiến, hiện đại trong công tác tham mưu tổng hợp, công tác tài chính, xây dựng cơ bản, thông tin-tư liệu… nhằm bảo đảm tốt nhất cho công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

- Công tác thông tin khoa học, tạp chí, xuất bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ học tập, nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cán bộ, giảng viên và học viên. Chất lượng các ấn phẩm xuất bản, các bài viết trên các tạp chí, bản tin được nâng cao, nội dung đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của hệ thống Học viện.

* Với những kết quả đạt được, uy tín và vị thế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục được khẳng định. Ngày 08-8-2018, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 145-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Quyết định nêu rõ: 1- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. 2- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Đây là một điểm mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển lớn đối với sự phát triển của Học viện trong bối cảnh lịch sử mới./.