Học viện Nguyễn Ái Quốc trong những năm đầu thời kỳ đổi mới (1986-1993)

14:38 17/04/2019
xem cỡ chữ
T
T
lượt xem: 0

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986) đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhằm đáp ứng yêu cầu cao của sự nghiệp giáo dục, đào tạo cán bộ lãnh đạo và quản lý trung cao cấp, cán bộ làm công tác lý luận trong thời kỳ đầu của cuộc đổi mới, ngày 22-7-1986, Bộ Chính trị khóa VII ra Nghị quyết số 34/NQ-TW chuyển Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc thành Học viện Khoa học xã hội Nguyễn Ái Quốc trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (gọi tắt là Học viện Nguyễn Ái Quốc).

Ngày 26-10-1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định về chức năng, nhiệm vụ của Học viện, gồm:

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cao cấp của Đảng, Nhà nước về mặt lý luận và chính trị; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lý luận Mác-Lênin có trình độ đại học và sau đại học;

- Nghiên cứu khoa học nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và phương pháp đào tạo, đồng thời góp phần vào việc hình thành, phát triển và cụ thể hoá đường lối, chính sách của Đảng;

- Hướng dẫn 3 trường Đảng khu vực về nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, về nghiên cứu khoa học và xây dựng đội ngũ cán bộ;

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cao, trung cấp và cán bộ lý luận do các Đảng bạn gửi sang về mặt lý luận và chính trị; tổ chức hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học với các Học viện và các Trường Đảng cao cấp của các nước anh em.

Thực hiện chức năng và nhiệm vụ nêu trên, Học viện khẩn trương xây dựng, biên soạn lại chương trình, giáo trình phù hợp với mục tiêu đào tạo; đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng theo hướng gắn hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu với đời sống thực tiễn; Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng dạy. Luân phiên cử cán bộ giảng dạy tham gia công tác thực tiễn ở các cấp uỷ đảng và cơ sở sản xuất để bồi dưỡng toàn diện. Tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật của Học viện, cải thiện một bước đời sống của giảng viên, cán bộ, công chức và học viên. Công tác nghiên cứu khoa học được đổi mới và đẩy mạnh theo hướng bám sát thực tiễn kinh tế - xã hội của nước ta ở chặng đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Từ năm 1987, hệ đào tạo nghiên cứu sinh của Học viện bắt đầu bảo vệ luận án tiến sĩ theo quy chế nhà nước. Quy mô hệ đào tạo cơ bản hai năm và đào tạo thạc sĩ tăng lên. Hệ đào tạo học viên quốc tế được hình thành cùng với việc thành lập Ban Quốc tế phụ trách công tác hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các đảng, các nước bạn.

Đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu được bổ sung, nâng cao về trình độ khoa học và chất lượng công tác. Đầu năm 1989, Học viện đã có 25 giáo sư và phó giáo sư, 38 phó tiến sĩ.

Trong những năm đầu của công cuộc đổi mới, tình hình kinh tế của đất nước còn khó khăn, tình hình thế giới biến động phức tạp, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, song Học viện vẫn kiên định với mục tiêu lý tưởng của Đảng, kiên định với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chi Minh, phát huy tốt vai trò của một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước cho cán bộ, đảng viên để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng đề ra./.