Nhìn lại 70 năm truyền thống, khắc ghi những sứ mệnh vẻ vang

09:56 15/07/2019
xem cỡ chữ
T
T
lượt xem: 0

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tức Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc lúc ra đời và Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc, Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Học viện Nguyễn Ái Quốc, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh qua các thời kỳ, đã có tròn 70 năm truyền thống, tính từ ngày Bác Hồ về thăm và phát biểu tại nhà trường vào mùa thu năm 1949 giữa chiến khu Việt Bắc. Trên cơ sở hai chức năng thường trực là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu phát triển lý luận, Học viện được Trung ương Đảng giao những nhiệm vụ cụ thể trong từng thời kỳ, giai đoạn. Trải qua 7 thập kỷ thực hiện thành công các chức năng, nhiệm vụ hết sức có ý nghĩa đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng CNXH, đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Học viện ngày càng khẳng định những sứ mệnh vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

1. Trang bị lý luận tiền phong, góp phần bảo đảm điều kiện cho một đảng tiền phong

Không có lý luận cách mạng, thì không thể có phong trào cách mạng; chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong soi sáng, thì mới có điều kiện làm tròn sứ mệnh tiền phong. Lý luận của Lênin đã soi đường cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở lớp đào tạo lý luận cho đội ngũ cán bộ cách mạng ngay từ quá trình chuẩn bị thành lập Đảng. Trên thực tế, trường Đảng của chúng ta đã ra đời với các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc) từ năm 1924 đến năm 1927. Sau này, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) và hệ thống các trường Đảng ở các khu, liên khu, tỉnh, thành phố được chính thức thành lập như các thiết chế giáo dục lý luận cộng sản đảm nhiệm sứ mệnh tiền phong trang bị cho đội ngũ cán bộ cách mạng nhận thức cơ bản, hệ thống, thực tiễn và hiện đại về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh như vũ khí soi đường để lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân tiến hành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chế độ XHCN.

Chủ nghĩa Mác - Lênin vừa là một học thuyết triết học nêu ra những quy luật vận động và phát triển chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy; vừa là một học thuyết về sự phát triển, giải thích lôgíc phát triển của xã hội loài người qua các thời kỳ, thời đại phủ định biện chứng với nhau; đồng thời, là một học thuyết cách mạng vạch ra trong những điều kiện nào, với những chủ thể nào và bằng những con đường, phương pháp, chiến lược, sách lược như thế nào thì giai cấp vô sản và quần chúng lao động có thể làm cách mạng lật đổ chế độ cũ, xây dựng chế độ xã hội mới. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam; là hệ thống những quan điểm cơ bản về cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH ở nước ta. Từ năm 1930 đến nay, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn luôn là nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng, dẫn đường cho nhân dân Việt Nam lập nên những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa Việt Nam tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên CNXH với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Ánh sáng dẫn đường ấy vẫn luôn được thắp lên trên từng trang sách, bục giảng... tại mái trường lớn của Đảng mang tên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

2. Triển khai “công việc gốc” của Đảng

Với nhãn quan của nhà chính trị ấp ủ sự nghiệp lớn, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thường xuyên chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cách mạng, xem đó là sự chuẩn bị trước hết và trên hết. Người tổng kết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Từ ngày được thành lập đến nay và tiếp nối, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được giao đảm nhiệm sứ mệnh triển khai công việc gốc của Đảng, đó là huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị. Qua 70 năm phấn đấu và trưởng thành, Học viện có thành tựu to lớn trong việc bảo đảm kịp thời đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt để tổ chức toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng trong mọi thời kỳ; đi đầu trong nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học phục vụ quá trình hoạch định đường lối của cách mạng Việt Nam và các chủ trương, chiến lược phát triển đất nước. Do hoàn cảnh chiến tranh trước kia, các số liệu thống kê chưa đầy đủ, nhưng có thể khẳng định hàng triệu lượt cán bộ đã qua đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện một cách có kế hoạch, từ sớm, thậm chí từ xa, phục vụ việc triển khai các mục tiêu, chiến lược và các nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Đào tạo thế hệ cách mạng kế cận là công việc hệ trọng của toàn Đảng, vì đó là những người kế thừa, tiếp tục hoàn thành sự nghiệp lớn của dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh lúc sinh thời. Trong thế hệ cách mạng kế cận, trước hết phải kể đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ngay trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ đạo cử cán bộ miền Nam ra miền Bắc học tập, cử cán bộ trẻ ra nước ngoài đào tạo; thường xuyên mở lớp, mở trường huấn luyện cán bộ, xây dựng những hạt giống đỏ kế tục sự nghiệp cách mạng. Hiện nay, khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng các chức danh lãnh đạo, quản lý cho toàn bộ hệ thống chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh góp phần chuẩn bị các tiền đề, nhân tố bảo đảm vững chắc sự nghiệp cách mạng trong tương lai.

Trong những năm gần đây, trên 600 lượt cán bộ quy hoạch cấp chiến lược và trên 10 nghìn lượt cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và tương đương quản lý đã tham dự các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức do Học viện tổ chức, tạo ra sự nhận thức thống nhất trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt về các vấn đề cơ bản của đất nước và thế giới. Trong số đó, 113 đồng chí đã trở thành Ủy viên Trung ương tại Đại hội XII của Đảng (trong đó có 93 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết); các đồng chí khác đều trở thành cán bộ lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương. Rõ ràng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có vai trò, vị trí và sứ mệnh quan trọng, không thể thay thế, trong việc triển khai công việc gốc của toàn Đảng, trước kia, hiện nay và cho tương lai.

3. Góp phần thực hiện thành công “nhiệm vụ then chốt”

Trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay, Đảng ta đã tổng kết nhiều luận điểm quý báu, trong đó có luận điểm xác định “xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”, ở đó, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Quán triệt những quan điểm cơ bản này, có thể thấy rất rõ sứ mệnh của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là góp phần bảo đảm khâu then chốt của toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, với thế và lực mới, kinh tế tăng trưởng cao, chính trị - xã hội ổn định, quan hệ đối ngoại rộng mở, có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, đất nước cũng còn nhiều khó khăn, nguy cơ, thách thức không thể xem thường trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trong thời kỳ này, phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm; phát triển văn hóa như nền tảng tinh thần của toàn xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đại hội XII đã xác định nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, toàn dân là: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ XHCN; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Những nhiệm vụ chính trị hết sức nặng nề của toàn Đảng được hoàn thành đến mức độ nào, suy cho cùng, phụ thuộc vào chất lượng, hiệu quả của quá trình chuẩn bị nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, trong đó hàng đầu là chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đảm nhiệm.

Nhiệm vụ then chốt xây dựng Đảng cần được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ và có hiệu quả trên các bình diện: tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức. Xây dựng Đảng về tư tưởng là luôn luôn vững vàng trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đủ năng lực vận dụng và phát triển lý luận nền tảng đó để giải quyết những vấn đề của thực tiễn; thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng. Xây dựng Đảng về chính trị là giữ vững mục tiêu chính trị độc lập dân tộc và CNXH; luôn luôn có cương lĩnh, đường lối, chủ trương đúng đắn, phù hợp để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng Đảng về tổ chức là bảo đảm cho Đảng có tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở, có đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa “hồng” vừa “chuyên”, đủ phẩm chất và năng lực hoàn thành mọi nhiệm vụ trước Đảng, trước nhân dân. Xây dựng Đảng về đạo đức là toàn Đảng và từng đảng viên phải “là đạo đức, là văn minh”, là hiện thân của đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tiêu biểu cho văn hóa và đạo đức của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Nội dung rộng lớn và phong phú như vậy của nhiệm vụ then chốt xây dựng Đảng hiện nay thuộc trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó với vai trò, vị trí là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và trung tâm quốc gia nghiên cứu lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có sứ mệnh hàng đầu.

Di sản quý báu của 70 năm truyền thống là tiền đề vững chắc cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới, phát triển. Chúng ta sẽ xây dựng chiến lược phát triển Học viện ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Ở đó, phải luôn luôn sáng tỏ và nhất quán với những sứ mệnh vẻ vang mà từ Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đến Học viện ngày nay đã rất tự hào được giao phó và thực hiện thành công./.

PGS,TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh