Công tác lãnh đạo, chỉ đạo các mặt hoạt động của Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2014-2019

17:08 06/09/2019
xem cỡ chữ
T
T
lượt xem: 0

Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (gọi tắt là Đảng ủy Học viện) là cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng, hoạt động theo Quyết định số 215-QĐ/TW ngày 26-3-2009 và Quyết định số 215-QĐ/TW ngày 5-12-2013 của Ban Bí thư Trung ương.

Đảng ủy Học viện có nhiệm vụ lãnh đạo Học viện thực hiện tốt 3 chức năng chủ yếu: (1) Là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của hệ thống chính trị; (2) Là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý; (3) Là cơ quan chịu trách nhiệm về tổ chức, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các trường bộ, ngành.

Ngày 25-8-2015, Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lần thứ II, nhiệm kỳ 2015-2020 đã diễn ra và thành công tốt đẹp. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định phương hướng đến năm 2020: “Xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch, vững mạnh toàn diện, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, thể hiện như một hình mẫu để học viên đến học tập ở Học viện tham khảo; lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện lần thứ II nhiệm kỳ 20152020”[i]. Do đó, ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện lần thứ II, Đảng ủy Học viện tập trung hoàn thiện và ban hành quy chế làm việc của Ban Chấp hành, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy. Các quy chế đã tập trung xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Đảng ủy và trách nhiệm, quyền hạn cá nhân Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, nhất là của bí thư, các phó bí thư và các mối quan hệ công tác cơ bản, làm cơ sở pháp lý vững chắc quan trọng cho việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng ủy Học viện trong suốt nhiệm kỳ. Đồng thời, qua từng năm, Đảng ủy Học viện đều xác định rõ phương châm lãnh đạo, chỉ đạo2 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác của Học viện, trong đó chú trọng xây dựng văn hóa Trường Đảng, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, gắn chặt chẽ với phát huy dân chủ; nâng cao tính hiệu quả, thực hiện đổi mới có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Điểm mới trong lãnh đạo, chỉ đạo thời gian qua, thay vì ban hành kết luận tại các kỳ họp như nhiệm kỳ thứ nhất, Đảng ủy Học viện đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo thông qua việc đẩy mạnh ban hành các nghị quyết, đặc biệt là nghị quyết chuyên đề về những lĩnh vực trọng điểm cần tập trung, kết quả, từ năm 2014 đến nay, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy ban hành 26 nghị quyết[ii] để tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên cũng như lâu dài của toàn hệ thống Học viện. Điều này đã tạo nên sự đồng thuận, thống nhất rất cao trong toàn Đảng bộ Học viện và đạt được nhiều kết quả nổi bật. 

Nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Học viện là tăng cường quản lý hệ thống toàn Học viện theo phương châm tạo điều kiện để các đơn vị trực thuộc phát huy tính chủ động, sáng tạo; đồng thời đảm bảo sự quản lý thống nhất và tuân thủ các chuẩn mực chung; tiếp tục đổi mới và chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhất là chương trình, giáo trình, bảo đảm tính cơ bản, hệ thống, thực tiễn và hiện đại, phù hợp với đối tượng, chức năng, nhiệm vụ đào tạo của Học viện. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường sự chỉ đạo, quản lý về chuyên môn của Học viện đối với công tác trường chính trị và nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng địa phương. Đặc biệt là lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các đơn vị thực thuộc Học viện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, đây là bước đi tiên phong, thể hiện ý chí quyết tâm trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống tại Học viện. 

Cùng với quyết tâm chính trị cao và sự đoàn kết thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ mà trực tiếp là Ban Thường vụ Đảng ủy, Thường trực Đảng ủy với Ban Giám đốc Học viện, trên các mặt hoạt động, Đảng ủy Học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, bộ phận, tổ chức và đạt được một số kết quả tiêu biểu sau:

Một là, về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Thực hiện  Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện lần thứ II, đặc biệt là Nghị quyết số 387-NQ/ĐU ngày 4-11-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện về một số chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia  Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); với tinh thần, chủ trương chung, thống nhất là phải đảm bảo tính hệ thống, tạo sự linh hoạt, mềm dẻo, liên thông giữa các cơ sở đào tạo thuộc Học viện, đặc biệt trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị phải thực hiện nghiêm túc tiêu chuẩn, chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo thực hiện thống nhất toàn Học viện, Ban Thường vụ Đảng ủy cùng với Ban Giám đốc Học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung: thứ nhất, tổ chức rà soát, đánh giá những điểm tích cực, giá trị, đồng thời phát hiện những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi,  cập nhật nhằm hoàn thiện chương trình cao cấp lý luận chính trị, đảm bảo tính hệ thống, thực tiễn và hiện đại, phù hợp với đối tượng, chức năng, nhiệm vụ đào tạo của Học viện, kết quả là đến tháng  8-2018, Học viện đã ban hành toàn quốc bộ giáo trình cao cấp lý luận chính trị mới trong đó cập nhật những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các nghị quyết Hội nghị Trung ương, bộ giáo trình được sử dụng thống nhất trong tất cả các cơ sở đào tạo của Học viện và các trường được ủy quyền đào tạo cao cấp lý luận chính trị thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng; thứ hai, xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định liên quan đến quản lý đào tạo, bồi dưỡng, đáng chú ý là bộ quy chế về công tác cán bộ, quản lý đào tạo, quản lý khoa học... để thực hiện quản lý thống nhất và đồng bộ trong toàn hệ thống, đồng thời đẩy mạnh phân cấp quản lý, nhằm giảm bớt các khâu trung gian, cồng kềnh và kém hiệu quả; thứ ba, tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật học đường với nhiều biện pháp linh hoạt, phong phú: sử dụng hệ thống camera giảng đường; lập sơ đồ chỗ ngồi học viên, phát huy tinh thần trách nhiệm quản lý lớp của giảng viên trực tiếp giảng dạy, nâng cao ý thức tự quản của cán bộ lớp và của học viên, tăng cường tính chuyên nghiệp của các đơn vị quản lý đào tạo, trực tiếp thực hiện thanh kiểm tra đột xuất việc dạy và học; thứ tư, chú trọng đổi mới phương pháp đánh giá, đa dạng hóa các hình thức thi kết thúc học phần (thi vấn đáp, thi tự luận đề mở, thi tự luận đề đóng, thi trắc nghiệm đối với một số môn học phù hợp), nhằm đảm bảo khách quan trong quá trình đánh giá kết quả học tập, phát huy tinh thần sáng tạo của người học. Do đó, kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có những đổi mới quan trọng theo hướng điều chỉnh quy mô đào tạo, đa dạng hóa loại hình đào tạo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và điều kiện thực tiễn của Học viện[iii]. Một điểm đáng chú ý là hoàn thiện khung chương trình bồi dưỡng theo chức danh và quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Hai là, về công tác nghiên cứu khoa học: Đảng ủy Học viện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xác định phương hướng, nhiệm vụ khoa học trọng điểm của nhiệm kỳ. Trên cơ sở đó, Đảng ủy Học viện đã chỉ đạo và lãnh đạo hoàn thành xây dựng Kế hoạch hoạt động khoa học 5 năm 2016-2020 của Học viện và các nhiệm vụ khoa học thường xuyên, bảo đảm bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị mà Trung ương Đảng giao. Do đó, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện thời gian qua được đẩy mạnh với nhiều dự án, đề án, chương trình, đề  tài nghiên cứu lớn, cụ thể: chương trình nghiên cứu khoa học quốc gia KX.02/16-20: Nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung và phát triển chủ nghĩa MácLênin - cấu phần quan trọng nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới; chương trình khoa học cấp bộ trọng điểm: Những giải pháp đột phá nhằm thực hiện hiệu quả sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng; chương trình Nghiên cứu các luận cứ khoa học để bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị ở Việt Nam và chương trình Nghiên cứu đề xuất định hướng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật; chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, nghiên cứu đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân... Ngoài ra, tổ chức thành công nhiều hội thảo cấp quốc tế và quốc gia, thu hút được đông đảo đội ngũ khoa học trong nước và quốc tế tham gia, tạo được tiếng vang lớn trong xã hội, góp phần khẳng định tầm vóc, vị thế quan trọng của Học viện[iv].                                                           

Điểm mới trong việc triển khai các nhiệm vụ khoa học trọng điểm của Học viện trong thời gian qua là đã chủ động tổng hợp, chắt lọc các kết quả nghiên cứu, xây dựng các báo cáo chuyên đề, đề xuất các kiến nghị trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Các báo cáo chắt lọc, kiến nghị này được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao, góp phần hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước; đóng góp quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện. 

Ba là, về công tác tổ chức - cán bộ: Cùng với Ban Giám đốc Học viện, Đảng ủy Học viện lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý[v] với các nguyên tắc chung: Đảng ủy Học viện, các cấp ủy đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị và căn cứ vào phẩm chất, đạo đức, năng lực và sở trường của cán bộ; đảm bảo sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị; cán bộ được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại phải có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Đảng, Nhà nước, của Học viện và được quy hoạch theo chức danh dự kiến hoặc tương đương. Thống nhất với Ban Giám đốc Học viện chủ trương quản lý cán bộ và phân cấp quản lý cán bộ đối với các đơn vị trực thuộc trên các nội dung sau: Tuyển dụng, tiếp nhận; bố trí, phân công công tác, điều động và luân chuyển, biệt phái cán bộ; đánh giá, nhận xét cán bộ; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; khen thưởng và kỷ luật cán bộ; thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ; kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác cán bộ và giải quyết khiếu nại, tố cáo về cán bộ. 

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện đã ban hành chỉ thị, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, đặc biệt là Nghị quyết số 16-NQ/ĐU ngày 14-3-2018 về thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, với chủ trương giảm cấp trung gian, cấp phòng, ban, không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ, ban trong viện. Điều này đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên. Kết quả là, giải thể, hợp nhất 3 đơn vị cấp vụ; sáp nhập, chuyển về các vụ, viện 6 đơn vị dưới cấp vụ trực thuộc Giám đốc; giảm từ 134 phòng, ban xuống còn 16 phòng, ban ở Trung tâm Học viện; từ 123 khoa, phòng, ban xuống 112 đơn vị ở các Học viện trực thuộc, giảm hơn 250 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, ban; ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ của 33 đơn vị trực thuộc Học viện; điều động 28 cán bộ từ các vụ, đơn vị chức năng về các viện chuyên ngành. Đồng bộ việc chia tách, hợp nhất bộ phận, đơn vị tổ chức đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên. Sau khi xóa bỏ cấp phòng, ban, các đơn vị đã dần đi vào ổn định theo mô hình mới, từng bước xác định rõ vị trí việc làm của từng cán bộ, đảng viên và hiện nay mang lại hiệu quả công tác rõ rệt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.  

Cùng với đó, Đảng ủy Học viện đã hành Nghị quyết số 15-NQ/ĐU ngày 7-2-2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy về công tác cán bộ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đủ năng lực, phẩm chất, có trình độ chuyên môn cao, có hiểu biết, kinh nghiệm thực tiễn, có năng lực nghiên cứu, giảng dạy, thuyết trình tốt, hấp dẫn. Khắc phục cơ bản tình trạng hẫng hụt cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học. Đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa nhân lực chuyên môn, nhân lực hành chính và nhân lực quản lý, lãnh đạo; giữa các thế hệ cán bộ; giữa các chuyên ngành, bộ môn khoa học, trong đó có ưu tiên cho các ngành, các bộ môn lý luận cơ bản, nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ được giao. Cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/ĐU, tháng 3-2019, Học viện đã xây dựng Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và giảng viên các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019-2030 được Ban Bí thư và Chính phủ phê duyệt. Điều này đảm bảo được chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ Học viện được hiện thực hóa.

Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 (khóa XII) vào tháng 6/2019

Bốn là, công tác xây dựng, chỉnh đống Đảng: Đảng ủy Học viện tập trung tăng cường lãnh đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; động viên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học viên, sinh viên yên tâm công tác, học tập, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước. Duy trì các hoạt động, học tập, nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết của Đảng, phổ biến thông tin thời sự, kinh tế - xã hội trong nước, quốc tế để định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh[vi]; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ, tổ chức sinh hoạt chuyên đề, qua đó, nhiều phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt được phát động và thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học viên, sinh viên tham gia. Đồng thời, chỉ đạo nêu cao kỷ luật phát ngôn, đề cao cảnh giác, chủ động phát hiện và đấu tranh với các quan điểm sai trái, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, lịch sử, truyền thống; chỉ đạo tập trung tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và của Học viện. Thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng đẩy mạnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm, sai trái, thù địch trong nói, viết, phát ngôn trên các diễn đàn và trong giảng dạy.

Đi đôi với công tác cán bộ, Đảng ủy luôn cho ý kiến có trách nhiệm và chất lượng với Giám đốc về việc điều động, bổ nhiệm, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo phân cấp. Quyết định bổ sung, kiện toàn cấp ủy một số đảng bộ, chi bộ trực thuộc. Đề nghị phê duyệt quy hoạch Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy Học viện; phê duyệt quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025, tổ chức rà soát bổ sung quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy định, quy trình, phát huy dân chủ cao độ. Tổ chức có hiệu quả về việc lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, các tổ chức đoàn thể của Học viện[vii]. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa có tác dụng động viên người có tín nhiệm cao tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình, vừa giúp người có tín nhiệm thấp tự nhìn nhận lại chính mình để điều chỉnh, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới. Qua đó, góp phần thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, đồng thời giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh, củng cố sự đoàn kết của từng đơn vị trực thuộc.

Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên không ngừng được coi trọng, tăng cường. Công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được quan tâm, chú trọng, kết quả đánh giá phản ánh khá sát với tình hình của các đảng bộ, chi bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích, nặng về hình thức. Nhờ đó, Đảng ủy Học viện đã có những chủ trương, biện pháp phù hợp, kịp thời nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, góp phần củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các đảng bộ, chi bộ và đội ngũ đảng viên. 

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng gắn với xây dựng văn hóa Trường Đảng.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng bộ Học viện, ngày 7-2-2018, Đảng ủy Học viện ban hành Nghị quyết số 13NQ/ĐU về tăng cường kỷ cương kỷ luật ở Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hiện nay, do đó, Đảng ủy Học viện luôn chủ động, tích cực triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo về công tác kiểm tra, giám sát; hướng dẫn cấp ủy cấp dưới, ủy ban kiểm tra cơ sở xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát gắn với việc quán triệt nội dung thực hiện các chương trình, kế hoạch kiểm tra của Trung ương và Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Hằng năm, Đảng ủy Học viện đều xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát; thành lập các đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra các tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Đảng ủy Học viện, đặc biệt là kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng[viii].

Cùng với đó, Đảng ủy Học viện luôn quan tâm xây dựng văn hóa Trường Đảng, nhằm giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa đặc trưng của Trường Đảng cao cấp: “Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; cống hiến trong thực thi công vụ; cầu thị, sáng tạo, chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử”[ix]. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Quy định về ứng xử văn hóa Trường Đảng, bước đầu đã góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và học viên các hệ lớp. Quá trình tổ chức thực hiện ngày càng xuất hiện nhiều cách làm hay, kinh nghiệm quý, nhiều điển hình. Nhiều đồng chí đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên đã gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện.

Sáu là, lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức Công đoàn, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên học viên của Học viện phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ; quan tâm, chú trọng việc tập hợp đoàn viên, hội viên đoàn kết và phối hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị; thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức đạo hoạt động và nâng cao chất lượng các mặt công tác, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tuyên truyền của các đoàn thể, giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định Học viện; tăng cường công tác xây dựng, củng cố tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, phát triển đoàn viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, trong 5 năm qua, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy đã lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội đại biểu Công đoàn, Đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh Học viện, nhiệm kỳ 2017-2022. 

Có thể nói, với truyền thống vẻ vang 70 năm xây dựng và phát triển Học viện cộng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đối với các nhiệm vụ trọng tâm của Học viện; đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, công chức, viên chức của Học viện có bản lĩnh chính trị, giàu kinh nghiệm, có tâm huyết, trong những năm gần đây (2014-2019), Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo các mặt hoạt động tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả to lớn, góp phần tăng cường vị thế của Học viện với tư cách là Trường Đảng Cao cấp của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; là một cơ quan Đảng đặc thù trong hệ thống các cơ quan lãnh đạo của Trung ương Đảng; là trung tâm quốc gia có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho toàn Đảng và hệ thống chính trị, đang đóng góp tích cực vào việc nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn nhằm củng cố, phát triển lý luận của chủ nghĩa MácLênin, tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đóng góp có giá trị vào việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

PGS, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

 

[i] Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện khóa I nhiệm kỳ 20102015 trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện nhiệm kỳ 2015-2020, tr.25. 2 Năm 2017: Đột phá - Sáng tạo - Chất lượng - Hiệu quả. Năm 2018: Dân chủ - Sáng tạo - Đồng bộ - Chất lượng. Năm 2019: Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hiệu quả.

[ii] Một số nghị quyết chuyên đề trọng tâm: Nghị quyết số 12-NQ/ĐU ngày 22-1-2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác  năm 2018; Nghị quyết số 13-NQ/ĐU ngày 7-2-2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật ở Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hiện nay; Nghị quyết số 14-NQ/ĐU ngày 7-2-2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện về phát triển Học viện Chính trị khu vực IV đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Nghị quyết số 15-NQ/ĐU ngày 7-2-2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy  về công tác cán bộ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035; Nghị quyết số 16-NQ/ĐU ngày 14-3-2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy về thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

[iii] Hằng năm, Học viện mở khoảng 70 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung và hơn 100 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung. Tổ chức thành công các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; lớp nghiên cứu, trao đổi với cán bộ cao cấp Đảng, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào; lớp bồi dưỡng bí thư cấp ủy cấp hyện và tương đương; các lớp bồi dưỡng cán bộ chủ chốt, cán bộ dự nguồn cấp tỉnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối tượng 3)...

[iv] Hội thảo quốc tế: 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa xã hội hiện thực: giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại (1917-2017); Kỷ niệm 170 năm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (1848-2018) - Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại; 55 năm quan hệ hữu nghị, đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; Tư tưởng Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam, tư tưởng Cayxỏn Phômvihản với cách mạng Lào; Sức mạnh mềm Ấn Độ - Sức  mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa... Hội thảo cấp quốc gia: Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh C.Mác (1818-2018); Kỷ niệm 70 năm tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc; Kỷ niệm 60 năm ra đời tác phẩm Đạo đức cách mạng (1958-2018)…

[v] Ngoài ra, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung bộ Quy chế về công tác tổ chức - cán bộ như: Quy chế cử cán bộ, công chức, viên chức luân chuyển, biệt phái, nghiên cứu thực tế tại đơn vị, địa phương, bộ, ngành; Quy chế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Quy chế tổ chức lễ tang; Quy chế làm việc của Học viện...

[vi] Tổ chức thành công cuộc thi Cán bộ, đảng viên các cơ quan Đảng Trung ương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được giải đặc biệt Khối thi đua của 14 cơ quan Đảng Trung ương; điều này đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, tác phong, lối sống, góp phần nâng cao hiệu quả công tác của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và học viên, sinh viên.

[vii] Theo Kế hoạch số 23-KH/ĐU ngày 4-3-2019 của Ban Thường vụ Đảng ủy về lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Hướng dẫn số 08-HD/ĐU ngày 7-3-2019 của Ban Thường vụ Đảng ủy về lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy và thành viên Ban Giám đốc các Học viện trực thuộc; Kế hoạch số 26-KH/ĐU ngày 283-2019 của Ban Thường vụ Đảng ủy về lấy phiếu tín nhiệm đối với cấp ủy, thành viên lãnh đạo cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và lãnh đạo các đoàn thể của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[viii] Riêng năm 2018, thành lập 88 đoàn kiểm tra, giám sát, trong đó: Ban Thường vụ Đảng ủy: 4 đoàn; Đảng ủy Học viện Chính trị khu vực II: 23 đoàn; Đảng ủy Học viện Báo chí và Tuyên truyền: 4 đoàn; Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Học viện: 4 đoàn; Ủy ban Kiểm tra các đảng ủy Học viện trực thuộc: 53 đoàn. Thi hành kỷ luật Đảng đối với 9 đảng viên vi phạm (6 khiển trách, 2 cảnh cáo, 1 khai trừ), trong đó tại Trung tâm Học viện 5 đảng viên; tại các đảng bộ Học viện trực thuộc 4 đảng viên.

[ix] Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26-10-2017 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.