“Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”

15:07 15/10/2019
xem cỡ chữ
T
T
lượt xem: 0

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, cũng là người mở đầu sự nghiệp đào tạo cán bộ bằng những lớp huấn luyện đầu tiên vào những năm 1925-1926 tại Quảng Châu (Trung Quốc). Người đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trường Đảng mang tên Bác Hồ kính yêu đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đào tạo cán bộ và nghiên cứu lý luận của Đảng, phục vụ sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Giai đoạn 1949-1975

Sau thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 1 năm 1949 đề ra chủ trương mới về đào tạo, huấn luyện cán bộ đã đặt tiền đề cho sự ra đời của Trường Đảng Trung ương mang tên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Trung ương Đảng, trực tiếp phụ trách công tác trường Đảng trong những ngày đầu; đồng chí Lê văn Lương, ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, được phân công làm Giám đốc đầu tiên của Trường.

Địa điểm đầu tiên của Trường ở làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, thuộc căn cứ địa Việt Bắc. Tháng 9 năm 1949, nhân dịp khai giảng lớp lý luận dài hạn khoá II, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm trường và nói chuyện với cán bộ, học viên. Người đã ghi vào cuốn sổ vàng lời huấn thị bất hủ: "Học đế làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân; phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích thi phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư".

Nội dung huấn luyện trong những năm đầu tập trung chủ yếu là những vấn đề cơ bản về đường lối, chính sách và những vấn đề lý luận gắn liền với công tác kháng chiến nhằm đưa kháng chiến đến thắng lợi. Mặc dù nhiều lần phải chuyển địa điếm đến các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa của tỉnh Tuyên Quang, trong giai đoạn 1949-1954, Trường đã đào tạo, bồi dưỡng được 5.750 cán bộ.

Tháng 10 năm 1954, Trường chuyển về Thủ đô Hà Nội. Năm 1962, được đổi tên thành Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương.

Từ năm 1954 đến năm 1975, Trường đã có những bước phát triển liên tục và vững chắc: mở các lớp đào tạo cán bộ trung, cao cấp; các lớp nghiên cứu sinh; đội ngũ giảng viên được học tập nâng cao trình độ với chuyên gia Liên Xô. Trường đã đào tạo được 43.075 cán bộ, trong số đó có một số đồng chí sau này đã trở thành lãnh đạo của Đảng và Nhà nước (Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An, Nông Đức Mạnh...).

Giai đoạn 1975-1993

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Việt Nam chuyển sang thời kỳ cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tháng 7 năm 1977, trường được đổi tên thành Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc với nhiệm vụ hàng đầu là bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, tổ chức nghiên cứu, quán triệt nội dung các Nghị quyết của Đảng, phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Để đáp ứng công tác đào tạo cán bộ cho miền Nam, Ban Bí thư Trung ương khoá IV đã quyết định thành lập cơ sở 2 của Trường tại Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ tháng 2 năm 1978.

Trong giai đoạn 1975-1986, Trường đã đào tạo được hàng vạn cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp; trên 1 nghìn học viên chuyên tu và nghiên cứu sinh thuộc nhiều chuyên ngành lý luận. Một số học viên tiêu biểu sau này trở thành lãnh đạo Đảng, Nhà nước như các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng...

Bước sang thời kỳ đổi mới, tháng 7 năm 1986, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc được đổi tên thành thành Học viện Khoa học xã hội Nguyễn Ái Quốc trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, gọi tắt là Học viện Nguyễn Ái Quốc. Học viện đã khẩn trương xây dựng lại chương trình, biên soạn lại giáo trình phù hợp với mục tiêu đào tạo, đổi mới phương pháp đào tạo và nghiên cứu khoa học theo hướng bám sát thực tiễn kinh tế - xã hội của nước ta ở chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy.

Từ năm 1987, Học viện bắt đầu đào tạo nghiên cứu sinh, tổ chức bảo vệ luận án Tiến sĩ theo quy chế chung của nhà nước. Từ năm 1991, Học viện bắt đầu mở đào tạo Thạc sĩ và các chương trình đào tạo học viên quốc tế.

Giai đoạn 1993-2004

Đầu năm 1993, Bộ Chính trị quyết định sắp xếp lại các trường Đảng Trung ương thành Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong đó có: Phân viện I ở Hà Nội, Phân viện II ở Thành phố Hồ Chí Minh, Phân viện III ở Đà Nắng và chuyển Đại học Tuyên giáo thành Phân viện Báo chí và Tuyên truyền. Ngày 20/10/1996, Bộ Chính trị hợp nhất Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với Học viện, lấy tên là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Trong những năm 1993-2004, Học viện đã đào tạo 51 lớp đại học chính trị với 4.263 học viên; đào tạo 100 lớp cao cấp lý luận chính trị với 9.169 học viên; bồi dưỡng ngắn hạn cho 3.622 học viên; đào tạo cho nước bạn Lào 289 học viên; đào tạo 1.583 Thạc sĩ và 611 Phó Tiến sĩ, Tiến sĩ. Đồng thời, thực hiện nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học; tổ chức nhiều Hội thảo khoa học quốc tế và trong nước; xây dựng 120 chương trình biên soạn các loại giáo trình cho 36 bộ môn các Hệ đào tạo.

Công tác hợp tác quốc tế đẩy mạnh trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với Trường Đảng Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Lào, Đảng Nhân dân Campuchia, Trường Đảng Cao cấp Cuba. Học viện cử nhiều đoàn cán bộ đi nghiên cứu học tập tại các nước Mỹ, Nhật, Pháp, Đức, Nauy, Tây Ban Nha, Singapore...

Với những đóng góp nổi bật trong giai đoạn này, tháng 5 năm 1996, Học viện được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng. Tháng 9 năm 2004, Học viện được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Giai đoạn 2004-2016

Thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, bước sang thế kỷ XXI, Học viện tiếp tục có nhiều đổi mới trong tổ chức bộ máy. Năm 2005, theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, các phân viện trực thuộc Học viện được chuyển thành các Học viện Chính trị khu vực I, II, III và Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Năm 2006, thành lập Học viện Chính trị khu vực IV, đặt tại Thành phố cần Thơ. Tháng 5 năm 2007, Học viện Hành chính Quốc gia hợp nhất với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thành Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Sau hợp nhất, Học viện tập trung xây dựng mới chương trình, giáo trình kết hợp với điều chỉnh đối tượng đào tạo, tập trung đào tạo đại học chính trị chuyên ngành, tăng cường mở lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị; áp dụng phương pháp dạy và học tích cực, đề cao việc tự học, tự nghiên cứu của học viên. Đồng thời, tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu, hướng mạnh vào việc đào tạo cán bộ trẻ, cử cán bộ, giảng viên đi học tập ở nước ngoài...

Trong giai đoạn 2004-2016, Học viện đã đào tạo bồi dưỡng: 1.572 cán bộ có trình độ cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung, 673 cán bộ hệ đại học chuyên ngành, 31.699 cán bộ hệ đại học chính trị, 10.039 cán bộ hệ tại chức cao cấp lý luận chính trị, 1.641 học viên các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức, 3.103 học viên cao học và 422 nghiên cứu sinh, trong đó có 26 học viên Lào.

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm truyền thống (1949 - 2014), Học viện được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai.

Giai đoạn 2016-nay

Từ năm 2016 đến nay, Học viện có những bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, tích cực: đổi mới nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, trước hết là chương trình cao cấp lý luận chính trị; tăng cường kỷ cương quản lý đào tạo; chú trọng các chương trình bồi dưỡng theo chức danh; tăng cường quản lý hệ thống; nâng cao chất lượng công tác với các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các trường cán bộ Bộ, Ngành, đoàn thể Trung ương; đổi mới công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận trong đó coi trọng biên soạn các báo cáo kiến nghị gửi Trung ương; chủ động triển khai các dự án hiện đại hóa cơ sở vật chất, hậu cần; có định hướng mới phát triển báo chí, xuất bản, hợp tác quốc tế...

Ngày 8 tháng 8 năm 2018, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 145-QD/TW, theo đó, Học viện là một cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đây là một điểm mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển đối với sự phát triển của Học viện trong bối cảnh mới.

Tầm nhìn phát triển của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2045 là trung tâm quốc gia có uy tín cao trong khu vực và thế giới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý; về nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý; xứng đáng là Trường Đảng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.