Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc trong thời kỳ đầu cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1975-1986)

14:37 16/04/2019
xem cỡ chữ
T
T
lượt xem: 0

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, tháng 9-1975, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) họp Hội nghị lần thứ 24, đề ra nhiệm vụ trước mắt là thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Giai đoạn mới đặt ra cho sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học của trường Đảng những nhiệm vụ mới hết sức khẩn trương với quy mô lớn.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976) đã chỉ rõ : "Ngày nay khi nước nhà đã được hoàn toàn độc lập và thống nhất, những vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội đặt ra với tất cả chiều sâu, tầm cỡ rộng lớn và tính cụ thể của nó. Điều đó đòi hòi Đảng phải có sự nỗ lực đặc biệt trong công tác lý luận".

Từ tháng 7-1977, theo quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trường chính thức được đổi tên mới là Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Tiếp đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IV đã ra quyết định thành lập cơ sở 2 của trường đặt tại thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ tháng 2-1978.

Để làm tốt hơn nhiệm vụ giáo dục, đào tạo cán bộ trong giai đoạn cả nước tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhằm quán triệt hơn nữa phương châm gắn lý luận với thực tiễn, bảo đảm tính khoa học, tính chiến đấu trong nội dung giảng dạy, tạo phong cách suy nghĩ khoa học, độc lập và sáng tạo của người học, nhà trường đã tiến hành tổng kết công tác đào tạo, rút ra những bài học kinh nghiệm để chỉ đạo công tác giáo dục lý luận ở giai đoạn mới tốt hơn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc luôn giữ vững truyền thống là một trong những trung tâm truyền thụ trung thành chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng; góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ trung, cao cấp của Đảng, tăng cường sự nhất trí trong Đảng và giúp cho cán bộ hoàn thành các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đề ra.

Ngày 01/10/1978, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 54/CT-TW "về nhiệm vụ của Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn mới". Trung ương đặt rõ nhiệm vụ cơ bản của trường: Một là, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao, trung cấp về lý luận chính trị; hai là, nghiên cứu lý luận nhằm làm tốt việc giảng dạy, đồng thời góp phần vào công tác lý luận chung của Đảng.

Chỉ thị của Ban Bí thư nhấn mạnh: "là công cụ quan trọng của Đảng trên mặt trận tư tưởng và lý luận, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc phải đi đầu trong việc giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa cơ hội và xét lại dưới mọi màu sắc, chủ nghĩa sô-vanh nước lớn, bảo vệ đường lối cách mạng và các quan điểm của Đảng, làm nổi bật việc Đảng ta vận dụng một cách độc lập, tự chủ và sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta để lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác".

Ngày 5/3/1982, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 06-CT/TW về công tác đào tạo cán bộ lý luận ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.

Ngày 20/6/1983 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 163-CT về việc đưa công tác đào tạo ở trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc vào quy chế đại học và trên đại học. Tiếp đó, ngày 16-1-1984, Ban Bí thư ra Quyết định số 35-QĐ/TW về một số vấn đề nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục của Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Từ đây, nhà trường đã hình thành rõ cơ cấu đào tạo, bồi dưỡng như sau:

- Chương trình đào tạo cơ bản dành cho đội ngũ cán bộ dự bị cho các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng ở cấp tỉnh, thành phố và các ban, bộ, đảng đoàn các đoàn thể quần chúng ở Trung ương; thời gian học là 2 năm.

- Chương trình bồi dưỡng cơ bản 8 tháng cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt đương chức của Đảng cấp tỉnh, thành và các ban, ngành Trung ương tuổi trên 45 (chương trình này bao gồm các lớp tập trung và các lớp tại chức).

- Chương trình nâng cao trình độ cho các cán bộ đã học xong chương trình cơ bản thuộc hai loại trên.

- Chương trình tại chức cho các loại lớp bồi dưỡng cơ bản, đào tạo cơ bản.

- Chương trình chuyên tu - nghiên cứu sinh đào tạo cán bộ lý luận có trình độ sau đại học và có học vị phó tiến sĩ về các bộ môn khoa học Mác-Lênin.

- Chương trình quốc tế với hai loại lớp: bồi dưỡng, đào tạo cán bộ lãnh đạo và đào tạo cán bộ lý luận.

Cùng với công tác giáo dục, đào tạo, nhà trường tập trung nghiên cứu nhiều đề tài khoa học, làm sáng tỏ hơn những chân lý khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nhằm phục vụ việc nâng cao chất lượng đào tạo và góp phần cung cấp căn cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách xây dựng chủ nghĩa xã hội./.