Cảm xúc về nguồn!

09:03 04/05/2019
xem cỡ chữ
T
T
lượt xem: 0

Đứng trước tấm Bia đá khắc ghi dòng chữ: Làng Luông - Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến - Tại đây tháng 9 năm 1949 khai giảng Khóa đầu tiên Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc - chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động. Giữa bao la của thinh không dường như vẫn còn vang vọng âm hưởng hào hùng của một thời gian khổ, một giai đoạn không thể quên trong lịch sử cách mạng dân tộc, lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam và lịch sử của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - nơi chúng tôi vinh dự đang được học tập và rèn luyện.

Được sự đồng ý của Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 26/1/2018,  lớp CCLLCT B21K67- Bộ Công an đã tổ chức chương trình hoạt động ngoại khóa: Hướng về nguồn cội, về thăm di tích lịch sử Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Cùng với Tuyên Quang và Bắc Kạn, Thái Nguyên vinh dự được Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ chọn làm nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng, là Thủ đô trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Từ ATK Thái Nguyên, nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng quyết định vận mệnh dân tộc đã ra đời như Quyết định chiến dịch Thu Đông 1947; Chiến dịch Biên giới 1950; Quyết định thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao; Quyết định triệu tập Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Đảng; Đại hội thống nhất mặt trận Liên Việt- Việt Minh; Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất…

Chúng tôi đến xã Bình Thành khi trời đã sang chiều, khung cảnh mùa đông không làm giảm đi vẻ đẹp đơn sơ mà vẫn khoáng đạt, mênh mang của vùng sơn cước. Đảng ủy và Ủy ban nhân dân xã Bình Thành cử 02 cán bộ đưa Đoàn lên khu di tích của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Chúng tôi đi bộ trên con đường đất gồ ghề khoảng 300 mét, nếu gặp mưa chắc sẽ không đi nổi vì bùn lầy. Dọc đường đi, các đồng chí cán bộ xã cho biết: trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ATK Thái Nguyên là nơi đóng quân của nhiều cơ quan Trung ương rất quan trọng. Vào tháng 3 năm 1949, tại làng Luông, xã Bình Thành, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc - tiền thân của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - đã được thành lập. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Khóa I của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại làng Luông được mở từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 4 năm 1949 gồm có 40 học viên. Khóa II mở vào tháng 9/1949, có 175 học viên. Đặc biệt vinh dự cho Khóa II, ngay trong buổi học đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm và nói chuyện với cán bộ và học viên của Trường.

Trong những năm kháng chiến gian khổ, nhân dân các dân tộc làng Luông nói riêng và xã Bình Thành nói chung đã che chở cho các đồng chí cán bộ và học viên của Trường, tiếp tế lương thực và góp phần bảo vệ an toàn, bí mật cho hoạt động của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc ngày ấy.

Đứng trước tấm Bia đá giản dị mà uy nghiêm khắc ghi dòng chữ : Làng Luông- Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến- Tại đây tháng 9 năm 1949 khai giảng Khóa đầu tiên Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc- chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động. Giữa bao la của thinh không dường như vẫn còn vang vọng âm hưởng hào hùng của một thời gian khổ, một giai đoạn không thể quên trong lịch sử cách mạng dân tộc, lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam và lịch sử của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - nơi chúng tôi vinh dự đang được học tập và rèn luyện.

Tập thể lớp và cán bộ phụ trách công tác lớp chụp ảnh kỷ niệm tại Di tích lịch sử Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại làng Luông, BÌnh Thành, Thái Nguyên

Tại Trụ sở Đảng ủy- Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân xã Bình Thành, tập thể Lớp K67-B21 đã tổ chức trao 20 suất quà (gồm 20 triệu tiền mặt và 20 chiếc chăn ấm) cho 20 hộ nghèo và cận nghèo của làng Luông. Tuy là món quà nhỏ, nhưng thể hiện tấm lòng tri ân của chúng tôi - thế hệ sau - với bà con cô bác làng Luông, những người dân đại diện cho các dân tộc tại ATK Thái Nguyên đã không tiếc công sức và xương máu của mình góp phần vào thắng lợi của dân tộc ta; của Đảng ta trong hai cuộc kháng chiến. Xã Bình Thành vẫn còn trên 50% hộ nghèo và cận nghèo; Khu di tích của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc vẫn còn quá đơn sơ. Chúng tôi tự hứa với lòng mình sẽ còn trở lại để tiếp tục sẻ chia với bà con các dân tộc nơi đây, để đóng góp một phần nhỏ bé vào việc tôn tạo khu di tích của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, mà chúng tôi đã có những ngày tháng đầy tự hào được là học viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, góp phần thành công vào lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Học viện vào dịp tháng 9 năm 2019.

------

Thượng tá Nguyễn Tân Cảnh, Bộ Công an, Lớp trưởng B21- K67.